Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai" được tổ chức ngày 30/8, TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói rằng, sửa đổi Luật Đất đai sẽ đụng đến những vấn đề rất lớn, rất phức tạp. Nhưng càng chần chừ, giá đất sẽ càng đắt, cho nên sửa Luật là cấp thiết, phải quyết tâm làm.
Luật chồng chéo, nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực
GS.TS, Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn.
![]() |
Có tới 122 luật liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực thi trong thực tiễn. |
Đáng chú ý, có những vấn đề chưa giải quyết được triệt để nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020…
Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân do có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật liên quan. “Qua rà soát, chúng tôi thống kê có tới 122 luật liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực thi trong thực tiễn. Cùng một mảnh đất mà chồng chéo rất nhiều luật nên rất khó thực hiện. Có tình trạng địa phương áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại. Cho nên khi sửa Luật Đất đai phải rà soát để cố gắng giải quyết triệt để bài toán này thì khi luật mới được ban hành, việc tổ chức thực hiện mới suôn sẻ”, TS. Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin.
Đề cập đến thực trạng sách nhiễu của cán bộ công chức và các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai được phản ánh rất rõ qua các kênh thông tin đại chúng và tiếng nói của người dân, ông Phấn cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đất đai sẽ chú ý đến đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiến tới triệt tiêu dần các hiện tượng tiêu cực.
Theo đó, sẽ chuyển từ công cụ truyền thống, như luật lệ, giấy tờ… sang giám sát bằng công nghệ. Như vậy, cần cố gắng ưu tiên quá trình luật hoá và gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện giám sát bằng công nghệ để mọi hoạt động đều công khai, minh bạch.
Bỏ khung giá đất để xoá cơ chế xin, cho
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng để giải bài toán "một mảnh đất, nhiều luật chồng lên" khi sửa đổi Luật Đất đai là bỏ khung giá đất.
Theo ông Cường, đây có thể xem là cuộc cách mạng về tư duy quản lý. “Trước đây, việc ban hành và sử dụng khung giá đất thực chất là biện pháp hành chính. Nay sử dụng bảng giá theo thị trường, đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế xin cho, tư lợi. Tuy nhiên, việc này sẽ động chạm nhiều nên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được”, ông Cường nói.
Trước nhiều băn khoăn đặt ra khi bỏ khung giá đất như lo giá đất tăng lên, tiền đền bù tăng cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, người nghèo khó tiếp cận đất đai…, ông Cường cho rằng phải đi vào giải quyết từng vấn đề xem đó có thực sự là rào cản hay đó chỉ là lý do biện minh để chần chừ không thực hiện.
Bảng giá phải phù hợp với giá trị thị trường chứ không phải giá cả thị trường. Giá cả thị trường luôn biến động, khó nắm bắt, nhưng giá trị thị trường thì khá ổn định. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp.
Để chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm pháp luật nghĩa vụ tài chính đất đai.
Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng, dù có bảng giá đất mới theo thị trường, cũng chưa nên quá kỳ vọng sẽ xử lý được mọi vấn đề khúc mắc trong quản lý và sử dụng đất đai hay loại bỏ được hết cơ chế xin cho, vì đây là yếu tố gắn liền với cơ chế, bộ máy quản lý. Muốn bớt xin cho, thì phải dựa vào bộ máy nhà nước, nếu năng lực bộ máy tốt, hiệu quả thì sẽ hạn chế được xin cho, và ngược lại.
“Có bảng giá theo giá thị trường là tốt, nhưng thực tế phải tìm cách giải quyết gốc rễ của những vấn đề vướng mắc về đất đai”, ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh.
Thanh Hoa