Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng mới đây cho biết tổng hợp từ 22 sở xây dựng trên cả nước có báo cáo, trong quý III/2019 có 68 dự án với 29.762 căn hộ (bao gồm số lượng chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong đó, tại Hà Nội có 22 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 6.569 căn hộ chung cư và 640 căn nhà ở thấp tầng. Tại Tp.HCM có 8 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 11.797 căn hộ chung cư, 502 căn nhà thấp tầng và 50 căn biệt thự.
Cung giảm – giá tăng
Quý III/2019, giá BĐS tại Hà Nội tăng khoảng 0,21% so với quý II. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,12%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,31%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,76%. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 1,25% so với quý II.
Còn tại Tp.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,77% so với quý II. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,99%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,54%. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 2,74% so với quý II.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng giá BĐS tăng là do nguồn cung tại hai thị trường lớn nhất cả nước suy giảm.
Nguyên nhân thứ nhất là một số dự án lớn đã ra hàng trong quý IV/2018. Thứ hai là sự chặt chẽ trong việc rà soát, phê duyệt, cấp phép dự án của các cơ quan quản lý. Thứ ba là chính sách siết chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với BĐS áp dụng với cả tín dụng tiêu dùng và đầu tư.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 45% năm 2018 giảm về 40%. Cùng với đó, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS được áp từ 150% lên tới 200%.
Cách kiểm soát này được các chuyên gia nhìn nhận là thuận theo xu thế chung của thị trường BĐS thế giới cũng như phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Bởi đây là giai đoạn thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Song, vì không đủ tiềm lực tài chính, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vay vốn để chào bán nhưng trên thực tế không đủ năng lực bàn giao dự án chất lượng, dễ dẫn tới tình trạng sản phẩm tồn đọng, gia tăng nợ xấu.
Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường BĐS có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng nhất, không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều vậy. Tại các nước trên thế giới, tín dụng BĐS chiếm đến 40% nền kinh tế. Do vậy, thị trường BĐS có tốt, lành mạnh hay không phụ thuộc rất lớn đến tín dụng ngân hàng, tác động mạnh đối với chủ đầu tư, đối với nhà đầu tư và kể cả người vay mua nhà.
Siết chặt tín dụng là một yếu tố tác động đến thị trường BĐS |
Chặn phát triển tràn lan
Tín dụng ở Việt Nam chủ yếu dành cho sản xuất kinh doanh như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Thực tế, phương Tây cho vay tiêu dùng và BĐS là chủ yếu.
Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang có một tác động theo chu kỳ xu hướng đi xuống, thị trường BĐS cũng gắn với chu kỳ này. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam lại siết chặt tín dụng vào BĐS làm cho thị trường trầm lắng hơn.
Tuy nhiên, lâu nay thị trường BĐS dư cung, gần đây có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu cung. Nếu thiếu cung mà cầu quá mạnh cũng có thể dẫn tới bong bóng. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo hạn chế tín dụng vào BĐS để duy trì cân bằng trong thời gian dài cho phát triển ổn định hoặc chí ít cũng để không xảy ra khủng hoảng vào cuối chu kỳ kinh tế này.
“Tôi cho rằng khi kinh tế khôi phục trở lại vào chu kỳ mới, thị trường BĐS cũng khôi phục trở lại thì tín dụng vào BĐS cũng có thể được cải thiện”, ông Nghĩa nói.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý thêm: Lâu nay, nhiều người có cái nhìn khắt khe với thị trường BĐS, cho rằng vốn đổ vào BĐS không tạo ra giá trị gia tăng, là một thị trường đầu cơ. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một nửa.
Thực tế, thị trường BĐS rất cần thiết, liên quan đến nhu cầu thiết yếu của con người và xã hội, không chỉ người già mà các thế hệ trẻ ngày càng có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Đó không chỉ giá trị hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.
Ts. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc phát triển tràn lan BĐS nghỉ dưỡng, phát triển cả BĐS ở rừng núi tàn phá môi trường thì thế hệ con cháu sau này lấy đâu đất đai, môi trường để sinh sống, để phát triển các khu công nghiệp? Vì thế hệ sau còn cần nhiều hơn thế hệ hiện nay.
“Tín dụng BĐS phải hướng tới sử dụng tài nguyên tiết kiệm. Siết chặt cho vay BĐS cũng cần cân nhắc ở nhiều khía cạnh. Theo tôi, không chỉ siết chặt tín dụng mà còn siết chặt vấn đề đất đai, tránh để các nhà phát triển BĐS lấn chiếm rừng núi, biển cả, tránh chuyện “ăn” hết đất đai vào thế hệ hôm nay, mai sau con cháu không còn gì”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Minh Trang