Dù chưa đủ điều kiện chào bán, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn đang được nhiều sàn giao dịch, trang mạng xã hội quảng cáo rầm rộ, với các khoản phí từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng chỉ để "làm đẹp" hồ sơ và giữ quyền ưu tiên.
Đóng tiền để “giữ chỗ”
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, theo tìm hiểu, do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 4 làm chủ đầu tư. Dự án có vị trí đắc địa nằm trên đường Tố Hữu, hiện đang ở giai đoạn thi công các hạng mục cọc, móng và tầng hầm.
Trong bối cảnh cơn khát nhà ở giá rẻ đang lên cao, dự án này nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của giới “cò” và được rao bán, tư vấn công khai dù chưa đủ điều kiện. Trên một số trang tin bất động sản, dự án được giới thiệu có diện tích 2.726 m2, cao 32 tầng (chưa tính hầm) với tổng số 275 căn hộ.
Anh Tuấn, một môi giới khu vực Đông Nam Hà Nội cho biết, căn hộ chưa chính thức hình thành nên chủ đầu tư chưa nhận hồ sơ. Khách có nhu cầu có thể đặt cọc tại văn phòng môi giới với mức phí 50 triệu đồng để giữ chỗ, sau đó đóng thêm 150-200 triệu đồng phí tư vấn và “làm đẹp” hồ sơ.
“Hồ sơ sau khi được tư vấn, “làm đẹp” sẽ dễ dàng thông qua các vòng xét duyệt mua nhà. Đây là khoản thu có “lợi” cho cả phía tư vấn và người mua, không liên quan đến chủ đầu tư”, anh Tuấn nói thêm.
Trước những thông tin hỗn loạn được tung ra, mới đây, đại diện chủ đầu tư dự án NHS Trung Văn đã lên tiếng xác nhận dự án chưa đủ điều kiện nhận hồ sơ, rao bán theo quy định. Khi nào mở bán, chủ đầu tư sẽ có thông báo và trực tiếp tiếp nhận hồ sơ. Khách có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ.
Cần quản lý chặt quá trình mua bán để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng. |
Thực tế, thời gian qua, không ít dự án nhà ở xã hội đang được rao bán trên các sàn giao dịch bất động sản. Có sàn bán chênh với giá gốc hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều dự án, giá nhà là do sàn quy định thay vì chủ đầu tư, đẩy người mua nhà vào thế bất lợi, chịu nhiều rủi ro.
Cách đây không lâu, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử lý hành chính, phạt Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Everland số tiền 140 triệu đồng vì những sai phạm khi tiến hành môi giới cho dự án Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên).
Được biết, dự án Evergreen Bắc Giang có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bền vững Evergeen Bắc Giang, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), có quy mô 10 toà nhà, mỗi toà 20 tầng, dự kiến bàn giao vào quý II/2023.
Người mua gánh rủi ro
Có thể nói, bất chấp việc liên tục bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan chức năng, thực tế cho thấy hoạt động môi giới tại nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra bát nháo, hệ quả là nhà giá rẻ không còn rẻ, nhiều hệ lụy xảy ra khiến người mua nhà trực tiếp gánh chịu.
Đơn cử, vào trung tuần tháng 7/2022, dự án nhà ở xã hội Môi trường xanh (Từ Sơn, Bắc Ninh), do Công ty TNHH Môi trường xanh làm chủ đầu tư, đã bị Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi 76 căn hộ bán sai đối tượng và không đảm bảo quy trình mua bán theo quy định.
Một số hộ dân trong diện bị thu hồi cho biết đã đăng ký mua nhà qua sàn bất động sản Vietlanders (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) với “phí chênh” hàng trăm triệu đồng/căn. Khi đăng ký, môi giới cam kết “bôi trơn” hết, đảm bảo cả về tiền bạc và pháp lý, nhưng kết quả là lại rơi vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười”, tiền mất tật mang.
“Bỏ tiền mua, dọn vào ở được vài tháng, giờ bị thu hồi, muốn ở tiếp thì phải nhờ người có đủ điều kiện đứng tên hộ. Nếu biết không đủ điều kiện thì tôi đã không mua. Bỏ cả trăm triệu để nhờ tư vấn, cuối cùng vẫn gặp họa thế này, không phải lừa đảo thì là gì?”, một khách mua nhà tại dự án bức xúc.
Theo quy định, việc các chủ đầu tư liên kết với các sàn giao dịch là không sai. Cụ thể, việc này cần đảm bảo 2 điều kiện, thứ nhất phải đảm bảo đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội và thứ hai là giá bán phải đúng theo giá Nhà nước đã phê duyệt. Chi phí cho môi giới do nhà đầu tư chịu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc một bộ phận môi giới, nhà đầu cơ cố tình “lách luật” để ăn chênh khiến giá nhà ở xã hội bị đẩy lên, thiệt hại đổ về phía người mua nhà ở thực. Chưa kể, có không ít trường hợp người mua đủ điều kiện mua, nhưng sau đó bán lại gây nhiễu loạn thị trường.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy các cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt các khâu từ xét duyệt đối tượng hưởng thụ, phân phối sơ cấp và phân phối thứ cấp. Ngăn chặn hành vi đầu cơ, trục lợi từ các đối tượng bất chính, quản lý hoạt động môi giới… để nhà ở xã hội đến đúng người cần, với mức giá hợp lý và đúng quy định.
“Cần tăng cường thông tin để người dân nắm rõ về đối tượng được mua, giá bán, phương thức bán… tại các dự án nhà ở xã hội. Cắt bỏ các khâu trung gian, ngăn chặn tình trạng “móc ngoặc” giữa chủ đầu tư và sàn môi giới, nâng cao vai trò quản lý của địa phương…, từ đó bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Bản thân người mua nhà khi thấy phí phát sinh cao cũng cần đến ngay cơ quan chức năng để được tư vấn”, một chuyên gia khuyến nghị.
Hiến Nguyễn