Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của Batdongsan.com cho thấy nhà cho thuê đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Mức độ quan tâm đến tìm thuê bất động sản tại Hà Nội tăng 58%, trong khi đó tại TP. HCM, lượng quan tâm phân khúc cho thuê tăng đến 70% so với cùng kỳ 2021.
Lợi suất cho thuê tăng mạnh
Loại hình bất động sản cho thuê dẫn đầu cả 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM về mức độ quan tâm là chung cư/căn hộ. Trong đó, nhu cầu tìm thuê chung cư Hà Nội trong quý III/2022 tăng khoảng 13% so với quý trước, còn mức tăng ở TP.HCM là 24%.
Đáng chú ý, lợi suất cho thuê nhà phố ở 2 thành phố lớn nhất cả nước, vốn sụt giảm trong năm 2021, nay đã hồi phục mạnh, gần bằng mức năm 2019 – thời kỳ trước Covid-19. Cụ thể, năm 2019, lợi suất cho thuê ở Hà Nội là 3,2%/năm, nhưng trong 9 tháng qua đã tăng trở lại, đạt bình quân 3%/năm.
Ở TP.HCM, lợi suất cho thuê nhà phố trong năm 2021 giảm xuống mức 2,7%/năm từ mốc 3,1% của 2019, tuy nhiên đã phục hồi về mức 2,9% trong 9 tháng đầu năm nay.
Trước đó, thống kê của Chợ Tốt Nhà cho thấy từ khi các hàng rào phong tỏa được phá bỏ, nhu cầu tìm kiếm phòng trọ, căn hộ cho thuê đã tăng cao trở lại, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Đơn cử, ở TP.HCM, 99% tin đăng được khách thuê liên hệ, trong khi tỷ lệ này năm 2020 chỉ đạt 86%.
Kết quả thăm dò của VARS cũng chỉ ra, trên 70% hợp đồng thuê căn hộ vừa hết hạn trong thời gian gần đây (kỳ hạn thông thường là một năm) được ký mới với mức giá tăng bình quân 10 - 20% hoặc hơn. Nguyên nhân là bởi nhu cầu khách thuê tăng, người lao động trở lại thành phố làm việc.
Bất chấp sự chững lại của thị trường, cả giá nhà bán và giá nhà cho thuê vẫn đang tăng mạnh. |
Nhu cầu tăng, lợi suất cao của loại hình nhà cho thuê mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Nhìn thấy cơ hội, trong quý II vừa qua, anh Nguyễn Quốc Hưng đã rót hơn 10 tỷ đồng để mua lại 2 khu nhà trọ 6 tầng và 8 tầng ở Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).
Anh Hưng chia sẻ, gần 10 năm qua, 2 phân khúc chủ lực trong danh mục đầu tư của anh là căn hộ và đất nền. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, anh quyết định “thoát” toàn bộ 3 căn hộ ở trung tâm, thu về gần 12 tỷ đồng, để rót tiền vào đầu tư nhà trọ và căn hộ dịch vụ.
"Ai cười, ai khóc" khi giá tăng?
“Cả 2 khu trọ của tôi đều nằm ven Quốc lộ 21, gần khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc. 100% số phòng trọ tại 2 khu hiện đều đã được lấp đầy, cung không đủ cầu. Giá thuê dao động ở mức 2-6 triệu đồng/phòng nên nhu cầu thuê rất cao. Để đáp ứng nhu cầu của khách, sau khi mua, tôi chủ động cải tạo khu trọ ở các phân khúc khác nhau, giá cao thì tiện ích nhiều hơn và ngược lại”, anh Hưng kể.
Khảo sát cho thấy, Hòa Lạc hiện đang là một trong những điểm nóng của phân khúc bất động sản lưu trú bởi sự phát triển của hạ tầng. Tính đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được khoảng hơn 100 dự án đầu tư của các tập đoàn trong và ngoài nước triển khai xây dựng.
Nhà cho thuê cũng đang là lựa chọn của không ít nhà đầu tư “chán” thị trường nhà đất ở tỉnh có nhu cầu quay về trung tâm. Anh Hoàng Chí Bảo, một môi giới ở khu vực Bắc Từ Liêm (Hà Nội), tiết lộ nhu cầu bất động sản cho thuê rục rịch tăng trở lại từ đầu năm, và đến nay thì gần như đã về mức trước dịch.
Nhu cầu tăng đang đẩy giá thuê trung bình của các loại hình cho thuê tăng 10 – 30% so với cuối năm 2021. Hầu hết các hợp đồng ký mới đều tăng giá thuê, các ưu đãi được áp dụng trong dịch cũng bị cắt giảm. Ngay cả giá nhà trọ bình dân cũng có xu hướng tăng 5 – 15% theo tháng.
Thị trường khởi sắc mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nhưng lại đang trở thành gánh nặng của không ít người đi thuê. Cuối tháng 9 vừa qua, gia đình anh Bùi Minh Trí (có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ) nhận tin sốc khi môi giới thông báo chủ nhà có ý định tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng.
“Nhà tôi chuyển đến căn hộ 1 phòng ngủ này từ đầu năm 2021, dịch bệnh ảnh hưởng nên chủ nhà giảm 30% tiền thuê. Đến tháng 2/2022, giá thuê trở lại bình thường. Nay chủ nhà lại muốn tăng tiền thuê, đồng ý là giá cả mọi thứ đều tăng, nhưng tăng thế này thì khiếp quá”, anh Trí ngậm ngùi.
Khảo sát tại nhiều văn phòng môi giới cho thấy, tình trạng khách trầy trật không thể thuê nổi nhà ở Hà Nội và TP.HCM vì giá thuê tăng nhanh đang diễn ra khá phổ biến. Với ngân sách khoảng 4 triệu đồng/tháng, người thuê khó có thể tìm được chung cư mini ở trung tâm, với căn hộ sẽ cần ngân sách bình quân 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Tại các khu nhà trọ bình dân dành cho công nhân, sinh viên ngoại tỉnh thuê, mức giá cho thuê hiện cũng đã tăng bình quân 300 nghìn đồng/tháng đến 2 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2021.
Theo dự báo, trong tương lai gần, vì khả năng mua nhà riêng tiếp tục hạn chế nên nhu cầu thuê được dự báo sẽ tăng lên, cầu tăng ắt giá sẽ tăng. Để giải “cơn khát” nhà thuê, cần các chính sách thiết thực hơn để tăng nguồn cung, sự nhập cuộc của doanh nghiệp, đơn vị phát triển nhà ở.
Có một thực tế là các gói hỗ trợ hiện tại quá nhiều tiêu chí, khiến các chủ nhà trọ thừa nhận “chịu chết” không thể đáp ứng. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động, bên cạnh các gói tài chính hỗ trợ, cần xem xét lại hệ thống tiêu chí đi kèm, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục vay để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân, chủ nhà trọ dễ tiếp cận.
Hiến Nguyễn