Ngày 20/10, HoREA gửi văn bản số 79/CV-HoREA về tình hình thị trường BĐS 9 tháng đầu 2016 và dự báo thị trường năm 2017 tới Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, TN&MT… Trong đó, nổi lên những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều đạo Luật được coi là “đánh trúng” tâm lý của DN địa ốc, người tiêu dùng hiện nay.
Sửa Luật: chờ nghiên cứu!
Cụ thể: Đề nghị thay thế chế định “tiền sử dụng đất” bằng sắc thuế “Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở” để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế “xin – cho”.
Đề nghị bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần” tại điều 113 Luật Đất đai; và sửa đổi điều 114 Luật Đất đai giao toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành “Bảng giá đất và giá đất cụ thể” để phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
Kiến nghị áp dụng hình thức giao đất ổn định lâu dài cho chủ đầu tư, chủ sở hữu phần diện tích công trình thương mại, dịch vụ, căn hộ dịch vụ (officetel) trong dự án nhà ở (sửa đổi, bổ sung điều 55 Luật Đất đai).
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản (2.d) điều 174 Luật Đất đai cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài….
Được biết, trong công văn 2570/BXD-QLN ngày 16/11 vừa qua, Bộ Xây dựng đã trả lời một số kiến nghị liên quan của HoREA nêu trên. Theo đó, về các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, một số đề xuất của HoREA đã được Bộ Xây dựng có kiến nghị với Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp đưa vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan tới đầu tư kinh doanh. Một số đề xuất khác, Bộ Xây dựng ghi nhận và sẽ nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét…
Nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng không thể tập trung
nhiều vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Về các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật khác (không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng) như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…, Bộ Xây dựng ghi nhận và sẽ có ý kiến với các Bộ chủ trì khi sửa đổi, bổ sung các Luật này.
Đặc biệt, về một số đề xuất khác của HoREA liên quan tới chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển dự án nhà ở, kiểm soát rủi ro thị trường BĐS…, Bộ thống nhất cơ bản và đã báo cáo Thường trực Chính phủ trong phiên họp 21/10/2016 vừa qua. Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về những nội dung này.
Ngân hàng vẫn e ngại rủi ro
Lần lượt các văn bản của HoREA gửi các cơ quan chức năng (trong đó có NHNN) ba tháng nay ghi nhận kiến nghị về quản lý tín dụng, phân bổ tín dụng cho thị trường BĐS nói chung, tạo chính sách thông thoáng hơn cho DN, người cần nhà ở. Ngày 23/11, NHNN đã có ý kiến phản hồi liên quan.
Thứ nhất, về kiến nghị có cơ chế tạo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS và có chính sách tín dụng trung, dài hạn cho người mua căn nhà đầu tiên, NHNN đã có cơ chế tạo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường nói chung và BĐS nói riêng thông qua việc cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định.
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng chủ yếu là từ huy động tiền gửi của nhân dân, do đó phải được phân bổ, sử dụng an toàn, hiệu quả kinh tế nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội; không thể tập trung nhiều vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro – Văn bản 8977/NHNN-TD nêu rõ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường BĐS hiện chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng. Vì thế, việc đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng đối với BĐS là cần thiết.
Để góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho BĐS giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, cần thu hút từ các nguồn vốn trung, dài hạn khác như vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ các quỹ tài chính…
Thời gian qua, trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ cần ưu tiên cho đối tượng người thu nhập thấp, chưa có nhà ở, đang gặp khó khăn về chỗ ở; do đó Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này như chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo khu vực nông thôn… theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Về kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” khuyến khích chủ đầu tư dự án, các nhà thầu, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, thực tế, trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng các TCTD đều khuyến khích khách mở tài khoản để quản lý, giám sát dòng tiền.
Tuy nhiên, việc mở tài khoản của khách hàng tại ngân hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
NHNN cũng đã có văn bản ngày 18/8/2015 khuyến khích các TCTD nghiên cứu, thực hiện cấp tín dụng thông qua chuỗi liên kết (thực hiện độc lập hoặc liên kết giữa các TCTD) khi xem xét cấp tín dụng đối với dự án BĐS nhằm kiểm soát dòng tiền, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hạn chế rủi ro phát sinh cho ngân hàng và các bên liên quan.
Đông Hưng