Hàng loạt vấn đề nóng trong lĩnh vực bất động sản được nêu ra tại Nghị trường Quốc hội, trong đó yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn về vốn tín dụng, quỹ đất được đặc biệt quan tâm, và những câu trả lời từ “tư lệnh” các bộ, ngành liên quan mang đến nhiều kỳ vọng.
Giải bài toán vốn vay
Các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi quá ngặt nghèo là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến nhiều "đại gia" địa ốc chưa thực sự mặn mà với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội than thở: Với mức lãi suất hiện tại cùng với cơn “bão” giá vật liệu xây dựng, nếu không tăng giá bán nhà sẽ bị lỗ, bởi để tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất 4,8% là rất khó. Điển hình, cách đây không lâu, một loạt doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà giá rẻ tại Bắc Ninh đã làm đơn xin điều chỉnh giá, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ.
Cần nhắc lại, hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 4,8%/năm.
Một vấn đề cũ nhưng luôn nóng hổi vừa một lần nữa được đưa ra tại Nghị trường Quốc hội những ngày qua. Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả, trong đó ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, trong thời gian qua, cơ cấu sản phẩm bất động sản còn chưa phù hợp, chủ yếu là bất động sản nhà ở phân khúc cao cấp, du lịch, trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động thu nhập trung bình... còn rất thiếu.
Theo đó, ông Nghị nhấn mạnh cần ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.
Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân kỳ vọng sẽ được "cởi trói" để gia tăng nguồn cung, giảm giá thành trong thời gian tới. |
Cùng đề cập đến vấn đề vốn cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với người mua nhà ở có thu nhập thấp, đang có một số chính sách như thực hiện cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong gói 2% hỗ trợ lãi suất thì cũng có một số người có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có một số chương trình cho vay, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất ở đối với người nghèo, chính sách cũng như đối với bà con dân tộc đồng bào thiểu số và miền núi.
"Cởi trói" cho doanh nghiệp
Bên cạnh vốn vay, theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, vấn đề rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, và thúc đẩy cải tạo chung cư cũ cũng sẽ được quan tâm trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, một trong những bất cập lớn nhất cản trở nguồn cung cũng như các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là quy định trích lập 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại từ 2 - 5ha để xây nhà ở xã hội tại Nghị định 49 (quỹ đất 20%).
Chính vì tính bất khả thi và thiếu thực tế của quy định này nên trong thời gian qua, không có nhiều doanh nghiệp thực hiện được việc xây nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%. Bản chất các doanh nghiệp là có thể làm tốt, nhưng phải có cơ chế phù hợp để họ thực sự muốn làm.
Việc gia tăng sức hút với doanh nghiệp là điều đặc biệt quan trọng, bởi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang thiếu gay gắt, đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2, tương đương 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị tương là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.
Cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Trong đó, nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219.000 căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.
Nếu được "cởi trói" hai vấn đề được coi là cốt lõi là vốn và quỹ đất, các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những "đại gia" hàng đầu như Vinhomes, Hòa Bình, Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long, Địa Ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land… vốn đã có những hoạt động tích cực thời gian qua.
Có thể thấy, khoảng cách giữa chính sách và thực tế sẽ cần thời gian, tuy nhiên câu trả lời của “tư lệnh” các bộ ngành liên quan về vấn đề "cởi trói" nguồn vốn tín dụng rõ ràng mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp và người dân quan tâm đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Hưng Nguyên