Nằm trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với nhiều gói ưu đãi, tuy nhiên tốc độ giải ngân nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thời gian qua vẫn được đánh giá là rất chậm. Dòng vốn bị nghẽn chính là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng cung cầu, đẩy giá nhà ở tăng nhanh.
Đẩy nhanh vốn hỗ trợ
Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, có thể kể đến gói 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các cá nhân, hộ gia đình... thuê, mua nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Song, theo đại diện Bộ Xây dựng, để phát huy tối ưu tác dụng, cần thêm nhiều giải pháp thúc đẩy.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, chia sẻ thị trường nhà ở đang có sự “lệch pha” lớn khi nhà ở thương mại tăng trưởng 13,8%, trong khi nhà ở xã hội chỉ 0,36%. Đây là hệ quả của việc giải ngân dòng vốn cho nhà ở xã hội còn chậm.
Nhận định của vị đại diện Bộ Xây dựng cũng là tâm tư chung của doanh nghiệp đầu tư. Đơn cử, trong chương trình hỗ trợ năm 2022, doanh nghiệp triển khai nhà ở công nhân sẽ được hỗ trợ 2% lãi vay thương mại. Còn người mua, thuê, sẽ được vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư, việc vượt qua các “bài kiểm tra” để nhận gói ưu đãi là điều không dễ, thậm chí bất khả thi.
Cần đẩy nhanh nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu người dân. |
Trước đòi hỏi của thị trường, cùng những khó khăn của doanh nghiệp, nhiều địa phương đang phát triển mạnh khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở công nhân lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đẩy nhanh quá trình rà soát dự án được hỗ trợ vốn.
Đơn cử, tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho hay: "Để đảm bảo doanh nghiệp sớm tiếp cận với nguồn vốn vay, tỉnh đã lập danh sách các chủ đầu tư đang triển khai, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả nguồn vốn”.
Cùng với đó, thời gian qua Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính lập tổ công tác liên ngành, làm việc với 7 địa phương Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ.
Cần “bàn tay” quản lý
Thực tế, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó nhà ở công nhân và nhà ở xã hội vẫn được ưu tiên.
Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp cũng đang rất mạnh tay đầu tư cho nhà ở xã hội. Cụ thể, chỉ trong quý đầu năm cả nước có tới 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp được khởi công xây dựng, với tổng số căn hộ khoảng 23.965 căn. Hay mới nhất là kế hoạch triển khai 500.000 căn nhà ở xã hội của “ông lớn” Vinhomes cũng đem đến nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, con số 70% trong số hơn 7 triệu lao động cần an cư (theo thống kê của Bộ Xây dựng) vẫn là một bài toán vô cùng nan giải đòi hỏi hành động của cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là “bàn tay”quản lý của Nhà nước.
Để dễ hình dung, hãy nhìn sang một quốc gia cùng khu vực là Singapore. Theo thống kê, bình quân mỗi năm nước này chi gần 3% ngân sách để phát triển nhà ở xã hội và chính phủ tài trợ khoảng 21 tỷ USD cho Hội đồng phát triển nhà ở quốc gia (HDB) kể từ khi cơ quan này được thành lập.
Hiện, gần 80% công dân Singapore sống trong các khu nhà giá rẻ do Chính phủ xây dựng, đây cũng là giải pháp giúp quốc gia này ngăn chặn đầu cơ. Những chính sách phát triển đúng đắn đang giúp “đảo quốc sư tử” nâng tỷ lệ sở hữu nhà lên 91% và trở thành một trong những nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới.
Thành công của Singapore trong xây dựng, hỗ trợ nhà ở xã hội cho thấy tầm quan trọng của “bàn tay” quản lý Nhà nước trong việc phát triển nhà ở quốc gia. Mỗi đất nước sẽ có những đặc trưng riêng, và mọi sự so sánh đều khập khiễng, song đây rõ ràng là một gợi ý cho các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam.
Hưng Nguyên