Báo cáo vừa công bố của chuyên trang Batdongsan cho thấy, thị trường bất động sản trong 3 tháng qua đã có những dấu hiệu phục hồi. Chung cư tiếp tục là loại hình được quan tâm nhất khi nhu cầu tìm mua tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý liền kề.
Tìm kiếm tăng, nguồn cung cải thiện
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược Batdongsan, cho hay trong năm 2023, giá rao bán căn hộ không có nhiều thay đổi, tăng nhẹ 1 - 5% tại Hà Nội và đi ngang ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau 8 năm, giá chung cư ở TP.HCM và Hà Nội tăng lần lượt 82% và 56%, trong khi thu nhập người dân chỉ tăng 39%.
Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý III của Savills Việt Nam cho thấy, thị trường căn hộ khởi sắc hơn khi có nguồn cung mới. Cụ thể, số căn mới đã tăng 572% theo quý và 11% theo năm lên 2.528 căn, trong đó TP Thủ Đức chiếm 74% thị phần nguồn cung sơ cấp.
Người mua nhà vẫn đang đỏ mắt tìm căn hộ bình dân giá 2-3 tỷ đồng (Ảnh: Phạm Hòa). |
Không chỉ giải tỏa áp lực thiếu căn hộ, nguồn cung sơ cấp tăng cũng kéo theo lượng giao dịch các căn hộ tăng với hơn 2.000 căn được giao dịch, tăng 561% theo quý. Savills dự báo đến cuối năm, thị trường đón thêm 1.900 căn mới, trong khi một số dự án được tái khởi động vào quý IV.
Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS nhà ở Việt Nam quý 3 và 9 tháng 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Đất Xanh Services (DXS - FERI) cũng cho kết quả tương tự, khi chỉ ra thị trường căn hộ ở khu vực phía Nam đã có nhiều khởi sắc với điểm nhấn là nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh, trong đó TP.HCM và Bình Dương chiếm 97,3% giỏ hàng căn hộ sơ cấp và 65,7% giỏ hàng chung của khu vực.
Cụ thể, tại TP.HCM ghi nhận số lượng nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 4.000 sản phẩm, tăng 74% theo năm. Giá bán bình quân căn hộ từ 60 - 80 triệu/m2, tăng 2 – 3% theo năm. Trong đó tỉ lệ hấp thụ căn hộ đạt khoảng 22%. Tỉ lệ hấp thụ tính trên nguồn cung sơ cấp toàn khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận quý 3/2023 đạt khoảng 15 - 20%. Trong đó, tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM cao hơn các tỉnh lân cận khác (ước trung bình trên 22%).
Căn hộ 2 - 3 tỷ đồng vẫn “vắng bóng”
Mức độ quan tâm tăng, nguồn cung được cải thiện, song điều được người mua nhà quan tâm nhất là các sản phẩm bình dân, có mức giá 2 - 3 tỷ đồng đã xuất hiện trở lại trong rổ hàng hay chưa?
Theo khảo sát của Batdongsan, phân khúc căn hộ có giá 2 - 4 tỷ đồng đang được tìm kiếm và săn lùng nhiều nhất. Tuy nhiên, kết quả chung tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội - TP.HCM là rất hiếm. Việc mua căn hộ ngày càng khó đối với người dân khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà.
Đáng chú ý, TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS – FERI còn tiết lộ: “Khác với giai đoạn trước, đến cuối quý III, thị trường không còn ghi nhận được việc các sản phẩm chào bán mới bị cắt giảm giá sâu, thậm chí giá bán sơ cấp mới đã bắt đầu tăng nhẹ 2 - 5%. Có thể nói thị trường đã chạm đáy, và hoàn toàn có thể dự báo thị trường sẽ dần hồi phục và tăng trưởng từ vùng đáy”.
Cần phải nói thêm rằng, trong thời gian qua, sau khi rơi xuống đáy, với nỗ lực của tất cả các bên từ Chính phủ đến doanh nghiệp, đến nay thị trường đã từ từ bớt xấu. Đặc biệt, với sự tham gia của loạt “ông lớn” như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm, Hòa Bình… phân khúc nhà ở giá rẻ đang dần sôi động trở lại, mở ra kỳ vọng rất lớn cho người mua nhà.
Tuy nhiên, kỳ vọng trên, nếu trở thành hiện thực, cũng sẽ chỉ đến trong tương lai xa, 3-5 năm tới khi các dự án được hoàn thành. Còn trước mắt, cơn khát nhà giá rẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Hà Nội và TP.HCM, phân khúc căn hộ giá bình dân gần như không còn.
Trước thực tế đang diễn ra, giới chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh các giải pháp tăng cung cho thị trường. Bởi lẽ, chỉ khi nguồn cung tăng, tiệm cận hoặc cao hơn nhu cầu thì giá mới có thể giảm.
Để làm được, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đề xuất tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các quy định về giá đất, đấu giá, đấu thầu, điều chỉnh cơ cấu chính sách về tín dụng.
Ngoài ra, theo ông Khởi, cần tiếp tục tháo gỡ các vấn đề pháp lý, quy hoạch tạo điều kiện cho thị trường phát triển, nhất là tăng nguồn cung nhà ở xã hội bởi nhu cầu hiện nay là rất lớn. Đối với các chủ đầu tư, cần có những chính sách bán hàng hợp lý, điều chỉnh cơ cấu căn hộ hài hòa, giá nhà phù hợp với nhu cầu người dân. Tăng cường thông tin chính thống để tạo niềm tin cho người mua.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phân khúc trung và cao cấp vẫn chiếm gần 90% nguồn cung căn hộ trên thị trường. Căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2, đã giảm 98% so với năm 2019 và gần như đã “bốc hơi” khỏi rổ hàng trong thời gian qua.
Để tăng cung cho thị trường nhà ở, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng việc đầu tiên là tháo gỡ pháp lý dự án, giúp các dự án căn hộ được xây dựng.
Ngoài vấn đề pháp lý, cũng cần giải quyết bài toán tín dụng, khơi thông dòng tiền bằng các chính sách hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thật, doanh nghiệp phát triển dự án cho người có nhu cầu.
"Vấn đề mấu chốt vẫn là cần tháo gỡ khó khăn để cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền được xây dựng, tăng nguồn cung. Còn như bây giờ, người có thu nhập trung bình muốn mua nhà cũng không có nhà để mua, nguồn cung không có lấy đâu ra để mua trong khi nguồn cung cao cấp lại dồi dào", ông Châu nhấn mạnh.
Hưng Nguyên