Trong buổi họp báo cung cấp thông tin báo chí tháng 10/2023 của tỉnh Lâm Đồng vừa diễn ra (ngày 4/10), Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng khẳng định ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, không có dự án nào mang tên Đà Lạt Pearl, đồng thời đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người dân.
“Vẽ” dự án để lừa đảo
Vụ ồn ào liên quan “dự án” mang tên Đà Lạt Pearl trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua xuất phát từ thông tin tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một nhà đầu tư tại TP.HCM, sau đó được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, cho thấy đây chỉ là một “dự án ma” được vẽ ra để 'lùa khách'.
Cụ thể, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, “dự án” này không có trong danh mục đã cấp chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng cũng không có hồ sơ đầu tư, cấp phép xây dựng.
Lô đất liên quan đến “dự án” hiện đang thuộc quyền sử dụng của một hộ gia đình. Với diện tích ban đầu chỉ khoảng 5ha, chia thành 4 thửa, đến nay được tách thành 75 thửa nhỏ hơn, giật thành cái tên rất kêu là “Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl” rao bán rầm rộ trên các website, mạng xã hội.
Nhà đầu tư cần thận trọng để không dính phải "dự án ma" khi săn đất giảm giá (Ảnh minh họa: HN). |
Cần phải nhấn mạnh, dù đã có biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của các “dự án ma”, nhưng vì nhiều nguyên nhân, không ít nhà đầu tư nhẹ dạ vẫn vướng vào bẫy và đối diện nguy cơ mất tiền tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng.
Đáng chú ý, sự việc trên diễn ra chỉ ít lâu sau khi tỉnh Lâm Đồng tiến hành “cởi trói” tách thửa sau gần 2 năm siết chặt. Cụ thể, vào ngày 23/5/2023, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký quyết định mới về việc tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn. Theo đó, việc cấm tách thửa bị bãi bỏ sau gần 20 tháng áp dụng với nhiều văn bản khác nhau, nối tiếp.
Những diễn biến trên cho thấy vấn nạn phân lô bán nền, vẽ “dự án ma” để lừa đảo vẫn âm ỉ cháy, và sẵn sàng bùng lên khi có điều kiện. Vì vậy, giới chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tuyệt đối cẩn trọng, đặc biệt với các dự án mới, được “cò” quảng cáo quá “đường mật”.
Cẩn trọng chiêu trò “lùa gà”
Thực tế, không chỉ tại Lâm Đồng, việc vẽ “dự án ma” để lừa đảo nhà đầu tư vẫn đang âm thầm diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, hiện tượng này đang có chiều hướng “nóng” trở lại sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 35, trong đó cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.
Sự điều chỉnh của Chính Phủ đang mở ra cơ hội để thị trường nhà đất tăng tốc hồi phục, song cũng bị nhiều đối tượng lợi dụng để "bẫy" khách. Gần nhất, có thể kể đến vụ việc công an liên tỉnh triệt phá nhóm lừa đảo vẽ “dự án ma” trên đất nông nghiệp, rồi “lùa” khách từ TP.HCM về Đồng Nai nhằm trục lợi, với đủ chiêu trò tinh vi, từ thuê diễn viên đến thao túng tâm lý... vào tháng 9 vừa qua.
Cụ thể, theo đại diện công an tỉnh Đồng Nai, sau khi tiếp nhận nhiều tin báo từ các nạn nhân ở TP.HCM và Đồng Nai tố cáo công ty Lộc Phúc (34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) có hành vi lừa đảo, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, bắt giữ hàng trăm nghi can liên quan vụ việc.
Kết quả điều tra cho thấy, nhóm lừa đảo của công ty Lộc Phúc đã lập “dự án ma” với những lô đất có giá chỉ vài trăm triệu nhưng được bán chênh lên tới 1-2 tỷ đồng. Sau khi “lùa” khách xuống tiền đặt cọc, khách tiếp tục phải nộp đủ tiền để nhận đất ở một vị trí khác, giá trị thấp hơn nhiều lần.
Đáng chú ý, không chỉ vẽ “dự án ma”, trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh sau thời gian dài trầm lắng, hàng loạt chiêu trò lừa đảo đang được các đối tượng tung ra nhằm thao túng tâm lý, đưa khách hàng, nhà đầu tư cá nhân vào bẫy.
Một trong những chiêu trò phổ biến nhất thời gian qua là môi giới “nói một đằng, đưa đi một nẻo”, hoặc tư vấn mập mờ, thật giả lẫn lộn, khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” sau khi xuống tiền.
Điển hình, trên một diễn đàn nhà đất đình đám, chị Hà Thu chia sẻ câu chuyện sau khi nghe tư vấn của môi giới, chị quyết định xuống tiền đầu tư một căn hộ cao cấp ở quận 9 (TP.HCM) cách đây hơn 1 năm, với cam kết đầy màu hồng, nhưng đến nay dù chấp nhận “cắt lỗ” 500 triệu đồng vẫn không thể bán ra.
“Môi giới tư vấn chỉ cần bỏ ra 15% để nhận nhà, nhận xong nhà ở 6 tháng mới phải tất toán, trong thời gian đó bán chênh 100% có lãi. Nhưng đời không như mơ, giờ bán không được, cho thuê không xong, nợ ngân hàng đè nặng hàng tháng”, chị Thu tâm sự và thừa nhận đã vì một phút “nhẹ dạ” mà lâm vào tình cảnh bi đát như hiện tại.
Trước những diễn biến từ thực tế, theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, trong năm 2023, thị trường có cơ hội nhưng khá mờ, thời cơ có thể chỉ thực sự chín muồi trong năm 2024. Các nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc xuống tiền nhưng cần tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt cần thận trọng để phân biệt đúng sai trong thời “vàng thau lẫn lộn”.
Về nhiều mặt, theo ông Quang, đất nền vẫn sẽ là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhưng hiện không dành cho số đông và cần chọn lọc kỹ. Các nhà đầu tư đang “ôm” đất cần nghiêm túc cân nhắc việc giảm lãi, thậm chí bán lỗ để thoát hàng, thay vì cố vay lãi để cầm cự vì có thể sa lầy sâu hơn, khó cứu vãn.
Với nhà đầu tư mới, đất nền đang là cơ hội rất tốt cho người có sẵn tiền mặt. Các nhà đầu tư "tay ngang" không nên nhảy vào hoặc nếu muốn thì cần dòng tiền dài hạn, tầm nhìn 3-5 năm.
Hưng Nguyên