Năm 2021, khi thị trường khách sạn chìm trong bóng đen đại dịch, anh Nguyễn Thanh Lâm (TP.HCM) bỏ nghề chuyển sang làm môi giới bất động sản. Những cơn sốt đất cùng cái duyên giúp anh “ăn đậm”, có tháng kỷ lục anh ký được hơn 10 hợp đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, sóng gió đã ập đến.
"Thế khó" khi sốt đất hạ nhiệt
“Đã gần 3 tháng nay tôi chưa ký được hợp đồng nào, 3 tháng trước đó cũng vô cùng èo uột. Sức mua xuống thấp cộng với việc siết chặt quản lý khiến tôi rơi vào bế tắc. Dù đã mua được nhà nhờ nghề môi giới, nhưng tôi lại một lần nữa nghĩ đến việc chuyển nghề”, anh Lâm chia sẻ.
Qua thăm dò, các trường hợp môi giới gặp khó, trải qua nhiều tháng “trắng tay” xảy ra rất phổ biến trong hơn nửa năm qua, khi các quy định về tín dụng, thuế chuyển nhượng, quyền sử dụng đất… bị siết chặt, khiến thanh khoản thị trường địa ốc liên tục rơi tự do.
Nhớ về thời hoàng kim, anh Lê Quốc Trung (Hà Nội) cho biết năm 2021, anh thu về hơn 6 tỷ đồng hoa hồng. Bên cạnh hoa hồng từ các hợp đồng, nhiều môi giới còn mượn tay đẩy thuyền với những pha “lướt sóng” kiếm về bạc tỷ chỉ bằng một giao dịch, trong vài ngày.
Đỉnh cao nhất là thương vụ lướt sóng mảnh đất vàng trên tuyến Quốc lộ 6 (dự kiến được mở rộng) ở khu vực phía Tây Hà Nội, đoạn Ba La – Xuân Mai, mang lại cho anh Trung gần 800 triệu đồng tiền chênh lệch chỉ sau 72 tiếng kể từ lúc mua lại đến lúc chốt bán.
Những khó khăn của thị trường sẽ giúp thanh lọc đội ngũ môi giới bất động sản có tâm và có tầm hơn. |
“Lô đất này nằm trên mặt đường quốc lộ, rộng hơn 80m2, giá trị xấp xỉ 5 tỷ đồng, chủ nhà cần tiền gấp nên bán. Sau khi mua lại, chỉ sau 3 ngày đăng tin, tôi đã liên hệ được một khách sộp, chấp nhận mức giá 70 triệu đồng/m2, tức cao hơn 10 triệu đồng so với thương lượng với chủ đất”, anh Trung kể.
Một thời làm mưa làm gió, nhưng kể từ năm 2022, anh Trung cũng giống như nhiều đồng nghiệp rơi vào thế khó. Tuy nhiên, anh cho rằng nghề nào cũng có lúc lên lúc xuống, giống như doanh nghiệp bán áo mưa thì gặp khó vào mùa khô, và khẳng định sẽ kiên trì với cái nghề đã mang lại sự giàu có cho mình.
Những biến động của thị trường rõ ràng đang khiến giới “cò” bất động sản rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì không đành còn chờ đợi thì không biết bao giờ thanh khoản ấm lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia, nghề môi giới có thể lúc thịnh lúc suy, song không có chuyện hết thời.
Môi giới không thể... “chết”
Anh Nguyễn Quang, một môi giới có quan hệ rộng, từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Singapore… cho hay, tình trạng của môi giới tại Việt Nam hiện tại đang có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc hơn 2 năm trở về trước khi khủng hoảng thừa diễn ra.
“Một người bạn của tôi tên Chao ở Thượng Hải kể, nếu trong năm 2020, khi giá nhà ở Trung Quốc lên cao kỷ lục, có tháng anh ký được gần 30 hợp đồng, thì bước sang năm 2021, khi các quy định bị siết chặt, anh trải qua gần 8 tháng không có doanh thu”, anh Quang chia sẻ.
Đặc biệt, theo anh Quang, thời điểm đó, Trung Quốc còn triển khai những “quả đấm thép” nhằm loại bỏ hoàn toàn vai trò của môi giới. Điển hình như năm 2021, khi bong bóng bất động sản vỡ, nước này đã đẩy mạnh hỗ trợ các nền tảng mua bán trực tuyến, không qua đại lý môi giới.
Còn ở Việt Nam, thực tế cũng đã có những hành động nhằm giảm bàn tay “thao túng” của môi giới. Đơn cử như trong năm 2020, một doanh nghiệp địa ốc hàng đầu Việt Nam đã phát triển một ứng dụng nhằm kết nối người bán và người mua mà không cần thông qua các môi giới.
Cụ thể, ứng dụng không chỉ cho phép mua bán những căn nhà có giá trị 10 – 20 tỷ đồng, mà còn mua bán cả “hệ sinh thái” từ địa ốc đến xe hơi, điện thoại, đồ gia dụng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, ứng dụng không hiệu quả, doanh nghiệp buộc phải quay về sử dụng môi giới để có thể bán được hàng.
Các diễn biến từ thực tế cho thấy việc “bắt chết” môi giới là điều không thể. Theo nhận định của chuyên gia, việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới. Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.
“Khi đội ngũ môi giới bất động sản được thanh lọc, chỉ còn lại những người làm nghề vừa có tầm vừa có tâm sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà và cả chủ đầu tư. Hiện tượng “cò” liên kết thổi giá, gây sốt ảo để trục lợi cũng sẽ được giảm thiểu. Qua giai đoạn khó khăn này, những môi giới “sống sót” được sẽ là những người chiến thắng”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, giống như tình trạng lướt sóng, môi giới chỉ tạm lắng chứ không thể hoàn toàn biến mất. Và tới một thời điểm thích hợp, nghề này sẽ bùng nổ trở lại theo sóng thị trường.
Hưng Nguyên