Mâu thuẫn giữa BQT chung cư và cư dân chưa phổ biến, nhưng đang bắt đầu có những phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ sẽ bùng phát ở nhiều dự án mà chủ đầu tư đã bàn giao nhà. Điển hình là ngay từ đầu năm 2018, mâu thuẫn giữa cư dân và BQT tại dự án Văn Phú Victoria (Hà Nội) lên đến đỉnh điểm khi cư dân yêu cầu bầu lại BQT.
Đòi bãi nhiệm ban quản trị
Mâu thuẫn ban quản trị chung cư Văn Phú Victoria và cư dân kéo dài dai dẳng, âm ỉ suốt hơn một năm đã bùng phát khi cư dân đồng loạt treo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu ban quản trị do chính họ bầu ra phải từ nhiệm.
Theo phản ánh của cư dân, từ năm 2016, sau hơn một năm hoạt động, BQT đã không đại diện được cho lợi ích của số đông cư dân, không tạo được sự đoàn kết tại khu dân cư, đặc biệt, không đảm bảo được vấn đề công khai minh bạch trong thu, chi và tự ý áp phí dịch vụ quản lý hàng tháng đối với cư dân, tự ý sử dụng phí bảo trì mà không có kế hoạch, dự toán chi được cư dân thông qua.
Sau những mâu thuẫn dai dẳng không thể giải quyết, vừa qua, hơn 700 cư dân Văn Phú Victoria đã cùng nhau ký vào đơn đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại BQT.
Trước đó, tại Tp. HCM, cư dân chung cư First Home, phường Thạnh Lộc, quận 12, cũng đã làm đơn bãi nhiệm BQT do họ vừa bầu vào tháng 6/2017. Theo cư dân, BQT mới được bầu đã có những vi phạm nghiêm trọng về tài chính, thu chi không minh bạch, chi nhiều khoản tiền lớn nhưng không lấy ý kiến cư dân, không thông báo bằng văn bản theo quy định.
Không chỉ tại hai dự án nêu trên, mà nhiều dự án khác như Dolphin Plaza Mỹ Đình, Mulberry Lane… cũng không tìm được tiếng nói chung giữa hai bên, dẫn đến những mâu thuẫn âm ỉ, khó giải quyết.
Theo đại diện chủ đầu tư Văn Phú cho biết sau khi bầu BQT, công ty này đã bàn giao tất cả cho BQT tòa nhà. BQT được chính cư dân Văn Phú bỏ phiếu bầu là đại diện cho quyền lợi cư dân để đứng ra giải quyết các công việc chung của dự án.
“Vì vậy, các mâu thuẫn về các vấn đề liên quan như việc BQT tòa nhà bị khiếu nại thiếu minh bạch trong công tác quản lý phí bảo trì tại dự án đều là chuyện “nội bộ” giữa hai bên, chủ đầu tư không có quyền can thiệp”, đại diện công ty Văn Phú cho hay.
Trên địa bàn thành phố có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, nhưng đến nay mới có 418 cụm, tòa nhà thành lập được BQT |
Vào BQT vì có lợi ích?
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, nhưng đến nay mới có 418 cụm, tòa nhà thành lập được BQT. Trong số này còn hơn 100 toà nhà có những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư – cư dân, BQT – cư dân.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng việc bầu ra BQT phần lớn là do “cảm tính” từ các cư dân. Ban này không có tư cách pháp nhân, không có thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn, không có chuyên môn quản lý vận hành tòa nhà trong khi tại nhiều khu chung cư, BQT đã được giao quá nhiều quyền cho việc chi tiêu, như giám sát quản lý quỹ của cư dân, thu phí dịch vụ, thu phí dịch vụ quảng cáo trong tòa nhà, phí trông giữ xe…
Trước đó, tại cuộc hội thảo về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy ở Tp. HCM, đại diện Sở Xây dựng Tp. HCM cho rằng thành lập BQT nhà chung cư đã khó, song có BQT rồi nhưng các thành viên BQT lại không đủ năng lực điều hành.
“Một chung cư muốn có cuộc sống tốt, đảm bảo đẩy đủ quyền và lợi ích chính đáng của cư dân thì BQT chung cư đó phải đủ bản lĩnh và trình độ nhận thức nhất định”, đại diện này cho hay.
Một chủ đầu tư bất động sản uy tín tại Hà Nội cho rằng thực tế hiện nay, không ít cư dân muốn vào được BQT do “tham” những lợi ích rất lớn gắn với quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị này.
Ngay sau khi BQT được thành lập, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho BQT bao gồm cả khoản tiền phí bảo trì lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Với một khoản tiền lớn như vậy, nếu gửi ngân hàng thì chắc chắn lợi ích của thành viên BQT không phải là nhỏ.
Đó là chưa kể đến các chi tiêu khác trong dự án như bảo trì toà nhà, thuê đơn vị quản lý, sửa chữa các thiết bị hư hỏng, tất cả những việc làm này đều có thể mang lại lợi ích rất lớn cho các thành viên BQT nếu đơn vị này làm ăn khuất tất, không công khai minh bạch tài chính với cư dân.
Chính vì lo lắng đó nên các hộ dân tại chung cư Dolphin Plaza cũng đã từng làm đơn kiến nghị gửi lên UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Mỹ Đình 2 tố cáo Trưởng BQT tòa nhà đã làm sai lệch hồ sơ để thành lập BQT tòa nhà không đúng ý nguyện cư dân, dẫn đến việc BQT tòa nhà thay vì có hai Phó BQT thì nay chỉ có một Phó BQT.
Đáng nói là tại nhiều chung cư tại Hà Nội hiện nay, người dân thậm chí còn không muốn thành lập BQT để chủ đầu tư buộc phải có trách nhiệm với dự án và chuyên nghiệp hơn trong hoạt động quản lý và vận hành toà nhà.
Minh Sơn