Sự việc xâm phạm cảnh quan thiên nhiên trên khu vực danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) chỉ là giọt nước làm tràn ly, khi mà trước đó đã có nhiều dự án tâm linh, nghỉ dưỡng cũng đã vi phạm, dư luận đã lên tiếng, chính quyền địa phương vào cuộc, nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm những tồn tại này.
Thiếu tầm nhìn quy hoạch
Phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đã được Đảng và Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết cũng nêu rõ phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, hiện đang có những yếu tố mang danh phát triển du lịch “tận diệt” thiên nhiên, khi cảnh quan thiên nhiên luôn bị xâm phạm, phá vỡ quy hoạch và cảnh quan môi trường.
Dư luận gần đây phản ánh nhiều về việc các dự án xây dựng xâm phạm đến cảnh quan thiên nhiên. Đơn cử như tại Mã Pì Lèng (Hà Giang), việc có những điểm lưu trú đáp ứng nhu cầu khách du lịch là cần thiết, nhưng cần kiến trúc nào, quy hoạch ra sao cho phù hợp với cảnh quan thiên nhiên thì rất cần phải nghiên cứu.
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong câu chuyện “truyền đạt mồm” để xây dựng một Panorama ở Mã Pì Lèng có thể nói lỗi ở rất nhiều phía. Để phát hiện sai phạm không phải từ chính quyền mà từ phóng viên, người dân, chứng tỏ chính quyền Hà Giang cũng chưa có sự quan tâm, giám sát đến việc phát triển dự án xây dựng du lịch ở địa phương.
Chính quyền “thả” tư nhân đến mức làm gì cũng không hay biết, không có sự quản lý, không có quy hoạch, không có giấy phép.
“Đáng lẽ chính quyền Hà Giang nên thuê những kiến trúc sư giỏi để thiết kế hạ tầng phù hợp, đảm bảo tiện lợi để phát triển du lịch”, ông Võ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng du lịch thường dựa vào một số yếu tố như: cảnh quan thiên nhiên đặc trưng; hoạt động lịch sử văn hóa bản địa, lịch sử con người tạo nên; yếu tố con người, con người có tính hấp dẫn hay không? Đó là những yếu tố khi phát triển du lịch thành ngành kinh tế đều phải giữ.
Câu chuyện Hà Giang là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy để thu hút được các nhà đầu tư có tâm, có tầm định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế của địa phương, đầu tiên buộc phải có quy hoạch du lịch và quy hoạch bao giờ cũng là khâu quan trọng nhất.
Thiếu công cụ hữu hiệu quản lý các dự án xâm phạm di sản thiên nhiên |
Có công cụ để quản lý
Theo PGs.Ts. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để xảy ra tình trạng xâm phạm vào các di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh thời gian vừa qua là do thiếu những quy hoạch rõ ràng. Bảo vệ các di sản thiên nhiên không chỉ bao gồm các khu vực vùng lõi mà còn bao gồm tổng thể cảnh quan xung quanh.
Di sản cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) không chỉ là tài nguyên thiên nhiên quý báu của địa phương mà còn là di sản thiên nhiên của cả quốc gia. Đây cũng là nguồn tài nguyên có tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai.
Do đó, để hạn chế những trường hợp xâm phạm đến cảnh quan của các di sản thiên nhiên nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, rất cần xây dựng một quy hoạch phát triển tổng thể của khu vực có di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Quy hoạch này đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc cảnh quan, xây dựng và chính quyền địa phương.
PGs.Ts. Khuất Tân Hưng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng Việt Nam hiện đã có khá đầy đủ văn bản pháp lý để bảo vệ các di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh gồm Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay đang thiếu những cơ chế phối hợp giữa các ngành với nhau, nên khi kết hợp giữa các luật để thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự chặt chẽ và rõ ràng. Bên cạnh đó là công tác quản lý yếu kém dẫn đến sự xuất hiện của các công trình gây bức xúc dư luận như trường hợp nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama ở Hà Giang.
Để bảo vệ cảnh quan của những di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bên cạnh những biện pháp thắt chặt quản lý, cần có những thông tư liên tịch đưa ra những quy định, những nguyên tắc ứng xử chung đối với các công trình xây dựng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản. Trên cơ sở đó, tùy theo đặc điểm của các khu vực này mà các địa phương có đề xuất quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc phù hợp.
Kinh nghiệm của nhiều khu du lịch trên thế giới cho thấy phần lớn các công trình được xây dựng là các địa điểm quan sát, dừng chân, không bố trí các khu vực lưu trú nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến cảnh quan, tầm nhìn và gây tác động xấu tới môi trường.
Trên thực tế cũng không thiếu những doanh nghiệp do thiếu hiểu biết hoặc do “ăn xổi” nên đã ứng xử không đúng với di sản, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn thương cho di sản.
Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho doanh nghiệp bởi mục đích lớn nhất của họ chính là lợi nhuận. Vấn đề ở đây là phải tạo ra được những công cụ hữu hiệu để quản lý các hoạt động phát triển và khai thác du lịch tại các vùng di sản.
Phạm Minh