Các dự án cầu bắc qua sông Hồng đầu tư theo hình thức BT bị dừng lại, đây là lời cảnh báo cho giới đầu tư bất động sản ăn theo hạ tầng giao thông một thời từ cầu Nhật Tân (Ảnh: TL) |
6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống bị dừng triển khai đợt này gồm: cầu Trần Hưng Đạo (Tập đoàn Him Lam), cầu Tứ Liên (Sungroup), Thượng Cát (Tập đoàn Cường Thịnh Thi), Giang Biên (CTCP Phát triển đô thị Việt Hưng), cầu Hồng Hà (CTCP Tập đoàn Hoành Sơn) và cầu Đuống 2 (CIENCO1 - Đức Bình - Cái Mép).
Cầu không xây – giá không hạ
Trước đó, khi Hà Nội thông tin về 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, đất đai, bất động sản (BĐS) ở khu vực có các cây cầu dự định đi qua đã bị giới đầu cơ đồn thổi dẫn đến giá đất tăng vọt.
Đơn cử như khi có thông tin cầu Trần Hưng Đạo được kết nối từ nút giao thông Cổ Linh – Xuân Quan đi qua sông Hồng bắc thẳng vào trục đường Trần Hưng Đạo trong nội đô, ngay lập tức giới đầu cơ, người mua nhà săn lùng làm thị trường trở nên sôi đông.
Còn nhớ, cách đây 3 năm, một lô đất 60m2 nằm tại đường Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội) nơi dự kiến có cầu Trần Hưng Đạo được rao bán với giá 2,7 tỷ đồng. Đến nay, lô đất thổ cư này vẫn được rao bán lại với giá 2,7 tỷ đồng. Tiếp đó, một loạt các dự án khác như Berriver Long Biên, PHC Complex, Le Grand Jardin, Hope Residence, TSG Lotus Sài Đồng… cũng được nhiều trang BĐS quảng cáo rầm rộ.
Tương tự, khi thông tin cầu Hồng Hà sẽ được triển khai xây dựng, cầu kết nối giao thông đi lại từ Đan Phượng tới Mê Linh khiến giá BĐS ở Đan Phượng, Mê Linh “sôi sục”. Đất ngoài mặt ngõ to ở Đan Phương lên tới 50 triệu đồng/m2, các dự án tại Mê Linh bị đắp chiếu từ cách đây 10 năm cũng bỗng “hồi sinh”. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án ở Mê Linh tiếp tục nằm đắp chiếu, vẫn... "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Còn với cây cầu Tứ Liên, dự kiến được bắc qua sông Đuống và sông Hồng nối từ đường Nghi Tàm, Tây Hồ sang địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Lập tức đất ở khu vực Đông Anh lên cơn sốt như hồi cầu Nhật Tân chuẩn bị xây dựng. Giới đầu cơ lùng sục khắp làng trên xóm dưới, nhất là tại xã Dục Tú, Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm (Đông Anh); Long Biên, Cự Khối (Long Biên), nơi được cho là quỹ đất đối ứng cho chủ đầu tư.
Giới đầu cơ giới thiệu, sau khi cầu đi vào hoạt động, lộ trình giao thông 2 đầu dễ dàng hơn thì giá trị BĐS ở khu vực mà cầu chạy qua sẽ tăng cao. Các dự án xung quanh có lộ trình giao thông đi lại dễ dàng hơn, nhờ cầu Tứ Liên mà đất được thừa hưởng nhiều lợi thế.
Thế nhưng, dự án cầu bỗng nhiên tạm dừng đột ngột, giá đất ở khu vực này mặc dù không còn sốt nóng nhưng vẫn thiết lập ở mặt bằng giá cao. Đơn cử như ở Dục Tú, Đông Hội giá vẫn từ 40-70 triệu đồng/m2 đối với khu vực ô tô vào được. Đất ở Long Biên, Cự Khối... nhỉnh hơn một chút do địa bàn này nằm trong địa giới quận Long Biên.
Bài học từ cây cầu Nhật Tân
Lý giải về việc dừng triển khai 82 dự án BT, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ 1/1/2021, với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư), các doanh nghiệp liên quan được thông báo dừng chuẩn bị đầu tư.... TP. Hà Nội sẽ lựa chọn các dự án cấp bách ưu tiên và giao cho các đơn vị đề xuất hình thức đầu tư khác.
Trước đó, từ năm 2016-2017, TP. Hà Nội đã triển khai một số dự án xây dựng mới 14 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, trong đó có 6 cây cầu nói trên. Các dự án này được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo lý giải của TP. Hà Nội, khi được đầu tư xây dựng, các cây cầu nói trên sẽ khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4, đồng thời tạo cú hích mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
Thời điểm đó, rất nhiều dự án BĐS được quảng cáo “ăn theo” quy hoạch xây dựng những cây cầu này và được cho là sẽ hưởng lợi khi cầu được hoàn thiện. Điển hình như các dự án: D’. Le Roi Soleil Quảng An, Eurowindow River Park, Phú Điền Building, Khu đô thị Việt Hưng, Việt Hưng Geen Park, Chung cư New Space Giang Biên, Vinhomes Riverside The Harmonny, dự án AQH Riverside, Bình Minh Garden 93 Đức Giang, Hà Nội Aqua Central có chủ đầu tư là CTCP tháp nước Hà Nội (HWT); Dự án Sun Group Quảng An 58 Tây Hồ…
Đầu năm 2021, UBND TP. Hà Nội công bố danh sách 10 cây cầu mới dự kiến xây dựng từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời muốn tăng tỷ lệ ngân sách với những dự án này, trong đó có 6 cây cầu dừng triển khai theo hình thức BT.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã không được triển khai đúng kế hoạch, trong số đó có một số dự án vẫn ở giai đoạn thực hiện thủ tục triển khai. Cho đến khi hình thức BT bị “khai tử” và danh sách các dự án BT dừng triển khai được công bố, nhiều nhà đầu tư đã chót đầu tư mới ngậm ngùi, tiếc nuối.
Câu chuyện ăn theo hạ tầng không phải bây giờ mới xảy ra, mà trước đó khi xây dựng dự án cầu Nhật Tân nhiều nhà đầu tư chót “ôm mộng” ăn theo dự án này, cho dù nó đã được đi vào sử dụng. Giới đầu cơ đất lùng sục đẩy giá, thổi giá, đến nay đất Đông Anh đã trải qua nhiều thăng trầm sốt nóng – nguội lạnh – sốt nóng… rồi cuối cùng nhiều khu đất đấu giá, đất thổ cư trong khu vực này cách đây chục năm 40-60 triệu đồng/m2 thì nay giá vẫn dường như “dậm chân tại chỗ”. Câu chuyện này rất có thể sẽ được lặp lại, khi đó chỉ có nhà đầu tư là chị thiệt thòi, "chôn vốn" theo thời gian.
Phạm Minh