Ven các con đường gần đê xã Hải Bối, Huyện Đông Anh, Hà Nội, rất nhiều các biển quảng cáo mua bán nhà đất mọc lên trong thời gian gần đây. |
Điều đáng nói, hiện nay người Hà Nội chủ yếu mua BĐS ngay tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2019 người Hà Nội có khoảng 53% tìm kiếm BĐS Hà Nội thì đến quý I/2021 có đến 86% tìm kiếm BĐS Hà Nội số còn lại dành cho BĐS một số tỉnh phía Bắc.
"Sốt đất" theo quy hoạch
Đồ án quy hoạch sông Hồng có chiều dài khoảng 40km, tái định hình lại sự phát triển của thành phố, bởi qua 5-10 năm thành phố chủ yếu phát triển phía Tây, đã kéo theo sự phát triển của nhà cửa, hạ tầng ở khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân. Đồ án quy hoạch này nhằm cân bằng về phía Đông lấy sông Hồng làm trung tâm.
Quý I/2021, mức độ quan tâm BĐS ở một số khu vực nằm trong quy hoạch sông Hồng tăng rất cao so với quý IV/2020. Đơn cử như khu dân cư và bãi dài Thượng Cát – Liên Mạc tăng 291%, Vân Canh 27%, bãi Bắc Cầu tăng 73%, bãi Long Biên – Cự Khối tăng 75%, bãi Hoàng Mai – Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 tăng 137%.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia BĐS cho biết, hiện mức độ quan tâm BĐS quý I/2021 so với quý IV/2020 gia tăng tại các khu vực có bán kính 20km tính từ trung tâm Hà Nội. Theo đó, mức độ quan tâm BĐS khu vực Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm tăng 4%, Thanh trì 8%, Đông Anh 36%, Gia Lâm 18%, Từ Sơn (Bắc Ninh) 67%, Văn Giang (Hưng Yên) 13%.
Giá rao bán đất nền trung bình tăng đáng kể ở một số khu vực, cụ thể Nam Từ Liêm tăng 10%, Thanh Trì 28%, Đông Anh 13%, Gia Lâm 10%, Văn Giang 41%.
Nhìn ra các nước trên thế giới, nếu xét về mức độ phát triển, trong vòng bán kính 40km, Seoul (Hàn Quốc) có 26 triệu dân đô thị. Trong khi đó, Hà Nội bán kính 20km mới có 4 triệu dân đô thị. Điều này cho thấy, thủ đô Hà Nội mới đang trong quá trình hình thành phát triển đô thị, tốc độ đô thị hoá chỉ 50%, như vậy Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển hơn.
Khảo sát thực tế cho thấy, các khu vực càng xa trung tâm thì có biến động giá càng lớn. Các khu vực quận gần trung tâm ít có sự thay đổi về giá. Đơn cử, từ khi có thông tin quy hoạch sông Hồng, giá đất nền huyện Đan Phượng từ 12-15 triệu đồng/m2 tăng lên 20-25 triệu đồng/m2; huyện Thanh Trì khoảng 20-25 triệu đồng/m2 tăng lên 30-35 triệu đồng/m2, có những vị trí mặt đường lớn tăng 50-55 triệu đồng/m2; huyện Đông Anh từ 20-50 triệu đồng/m2 lên 30-70 triệu đồng/m2…
Dịch chuyển để đón đầu
Đánh giá về hiện tượng đất Hà Nội tăng giá, ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Kosy cho hay, ở bất cứ khu vực nào, quy hoạch là thông tin quan trọng, giá BĐS phụ thuộc vào thông tin quy hoạch và địa bàn triển khai. Tuy nhiên, thông tin quy hoạch có thể tác động tốt, nhưng đồng thời cũng không tốt.
Sở dĩ ngay khi Hà Nội có đồ án quy hoạch sông Hồng, lập tức giá tăng, có một lý do rất đơn giản là Hà Nội mới đang bắt đầu chu kỳ phát triển hạ tầng, nhà ở. |
Cũng phải nhắc lại, hơn 10 năm trước, thông tin về vùng đất Ba Vì trở thành trung tâm hành chính mới của Hà Nội đã đẩy giá BĐS lên cao. Nhưng đây là thông tin chưa chính thức khiến nhiều người mắc kẹt vào BĐS. Tuy nhiên, khi thông tin đã được phê duyệt thì điều này sẽ rất tốt cho các nhà đầu tư. Rõ ràng, đầu tư BĐS phải có tầm nhìn 10 năm, do đó, việc tăng trưởng giá nhanh cũng cần phải cẩn trọng.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn nhìn nhận, quy hoạch thường có độ trễ, có thể 2-3 năm, có thể 10-20-30 năm, nhưng cũng có quy hoạch treo. Nhìn thực tế, quy hoạch có độ trễ lâu dài hay quy hoạch treo đều dẫn tới đọng vốn. Do đó, việc tăng giá đất tại các vùng mới chỉ có thông tin dạng... tin đồn, chưa được phê duyệt dễ bị “chôn vốn’.
“Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về quy hoạch, cần có tầm nhìn xa về quy hoạch đó có khả quan hay không”, ông Quốc Anh nói.
Một số chuyên gia BĐS cho rằng, sở dĩ khi Hà Nội có đồ án quy hoạch sông Hồng, ngay lập tức giá tăng, một lý do rất đơn giản rằng Hà Nội mới đang bắt đầu chu kỳ phát triển hạ tầng, nhà ở. Hiện tốc độ đô thị hoá ở Hà Nội trong khoảng 49-50% cho thấy, tiềm năng phát triển các loại hình BĐS rất lớn, đặc biệt là khu vực ven hai bờ sông Hồng, điểm nhấn cho Thủ đô trong tương lai.
Hơn nữa, hiện thị trường BĐS TP. HCM đang phát triển quá nóng, có sự tăng giá đột biến trong khoảng thời gian dài nên khả năng sinh lời không cao, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được, nên việc đầu tư tại chỗ, thay đổi “khẩu vị” để có khả năng sinh lời cao hơn được đa số người Hà Nội tìm kiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu nói rằng, số liệu về sự trở lại thị trường BĐS Hà Nội của người Hà Nội cho thấy sức hấp dẫn của BĐS phía Bắc đang “soán” ngôi BĐS phía Nam và dòng vốn dường như đang dịch chuyển từ Nam ra Bắc.
Hải Sơn