Báo cáo vừa công bố của Colliers Việt Nam chỉ ra nguồn cung khách sạn tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua, riêng phân khúc hạng trung và cao cấp tăng 6-7 lần. Đến năm 2025, nguồn cung được dự báo tiếp tục tăng mạnh với sự ra mắt của hơn 100 dự án mới.
“Đại gia” ngoại tăng sức ép
Không chỉ có những thương hiệu đã được định danh, sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi mới “lắm tiền nhiều của” đế từ châu Âu hay Bắc Mỹ đang khiến cuộc đua tranh giành thị phần phân khúc khách sạn trong nước ngày càng tăng nhiệt.
Minh chứng, theo Colliers, số lượng khách sạn được vận hành bởi thương hiệu quốc tế dự kiến tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 dự án trong năm 2022 lên 261 dự án vào năm 2025. Hoạt động mua bán và sáp nhập cũng dự kiến gia tăng mạnh mẽ từ cuối năm 2023.
Ông Morgan Ulaganathan, Giám đốc bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn tại Colliers Việt Nam, nhận định trong thời gian tới, các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đưa ra những nước đi táo bạo nhằm mở rộng thị phần, trước khi doanh thu khách sạn quay lại mức trước dịch.
Số lượng khách sạn được vận hành bởi thương hiệu quốc tế dự kiến tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 dự án trong năm 2022 lên 261 dự án vào năm 2025. |
“Ngay lúc này, nhà đầu tư nên chú trọng cải thiện thu nhập trước thuế, lãi và khấu hao, tỷ suất hoàn vốn nội bộ, tỷ suất vốn hóa với mức đầu tư vừa sức và tập trung đẩy mạnh tiếp thị, quản lý doanh thu và thu hút khách”, ông Morgan Ulaganathan nhấn mạnh.
Không chỉ trên những báo cáo thống kê, những diễn biến từ thực tế cũng chỉ ra cạnh tranh thị trường khách sạn ngày càng khốc liệt, với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu mới. Điển hình như chuỗi khách sạn SOJO được ví như “ngựa ô” khi đạt 10 chi nhánh chỉ trong vòng 2 năm ra mắt.
Tương tự, chuỗi khách sạn Wink cũng đang hoàn thiện chi nhánh thứ 7 tại Việt Nam. “Chúng tôi đã lên kế hoạch phát triển và đưa vào hoạt động 20 khách sạn trong vòng 5 - 7 năm tới", ông Peter Ryder, Chủ tịch Wink Hotels kiêm Giám đốc điều hành Indochina Capital, khẳng định.
Bên cạnh những thương hiệu mới được ví như “ngựa ô” trên thị trường, những thương hiệu quen thuộc tại Việt Nam cũng đang liên tục trở lại với tham vọng mở rộng thị trường, điển hình như InterContinental Hotels Group, Marriott, Hyatt Hotels, Accor Hotels, Wyndham Hotel Group, Best Western...
Đại diện Tập đoàn Melia Hotels International, trong một lần chia sẻ với truyền thông, đánh giá Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn có thể so sánh với Australia, Nhật Bản hay Hong Kong (Trung Quốc).
Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của khách sạn, tương tự như Thái Lan khoảng 20 hay 30 năm về trước. Các nhà đầu tư phát triển khách sạn đã nhìn ra điều này, vì vậy mà hình thành hàng loạt khách sạn, resort khắp đất nước.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
Đáng chú ý, cạnh tranh thị phần khách sạn càng trở nên gay gắt hơn khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP được thông qua. Các loại hình như condotel (căn hộ nghỉ dưỡng), officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn), biệt thự nghỉ dưỡng… được cấp sổ hồng sẽ là động lực để nguồn cung gia tăng.
Điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Hoàng Nam Tiến thừa nhận cạnh tranh thị trường khách sạn thời gian qua vô cùng khốc liệt. Trong 2 năm Covid-19, gần 2/3 khách sạn, resort phải chuyển hướng kinh doanh.
Đến nay, thị trường khách sạn đang dần ổn định, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Hiện tại, chỉ một số khách sạn nhỏ (10 - 20 phòng) có thể lấp đầy khách, còn lại công suất thuê chỉ đạt trên dưới 50%.
Bài toán lớn nhất hiện tại của đa số khách sạn, theo anh Tiến, là dòng tiền để vận hành. Khó khăn đang khiến nhiều chủ sở hữu “cụt vốn”, buộc phải rao bán lại.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, thị phần co lại, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, theo chuyên gia, các chủ đầu tư cần nhanh chóng thay đổi, đưa ra những chiến lược thích ứng linh hoạt nếu không muốn bị loại khỏi cuộc đua.
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels, dẫn chứng từ nay đến 2024, ước tính chỉ riêng khu vực Cam Ranh dự kiến ghi nhận thêm 8.300 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp, tăng 154% so với hiện tại, trong khi đó khu vực Hồ Tràm - Long Hải cũng sẽ đón nhận thêm khoảng 4.100 phòng, tăng 132%.
“Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không kịp khôi phục và phát triển thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tại một vài địa điểm, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước", bà Uyên Nguyễn nhận định.
Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng dư thừa nguồn cung có thể xảy ra dẫn tới cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, cuối cùng là việc thu hút sai đối tượng du khách tới Việt Nam. Về lâu dài, nếu mọi nơi cung ứng sản phẩm giống nhau thì sẽ rất khó cạnh tranh.
Bên cạnh sức ép “làm mới mình” để thu hút khách hàng, theo các chuyên gia, kinh doanh khách sạn trong nước còn đối diện với khó khăn khác là thị trường hiện phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế. Vì vậy, cần có các chính sách mạnh hơn nhằm kích cầu du lịch nội địa và đón khách quốc tế trong thời gian tới.
Hưng Nguyên