Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công bố đã kiểm toán 15 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017, hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Việc sử dụng hình thức chỉ định thầu đã không tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, dẫn đến lựa chọn các nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, yếu kém trong quản lý nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Đơn cử như Dự án đường Lê Đức Thọ – Xuân Phương do công ty CP Tasco làm chủ đầu tư chậm tiến độ 5 năm.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do công ty Bitexco thực hiện, được phê duyệt đầu tư vào năm 2009 đến nay vẫn chưa được hoàn thành.
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do CTCP phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện từ năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành… Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khác trên khắp cả nước cũng trong tình trạng tương tự.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, những dự án BT bộc lộ nhiều sai phạm. Nguyên nhân chính là do hình thức chỉ định thầu và các khu đất dùng để "hoán đổi" cho dự án BT cũng được giao theo hình thức chỉ định này.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ định thầu thay vì tổ chức đấu thầu công khai đương nhiên sẽ dẫn đến sai phạm trong phê duyệt dự án, trong hoạt động giám sát hợp đồng. Việc ký hợp đồng BT chỉ còn là thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Chỉ định thầu là mầm mống dẫn đến thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Đánh giá về tính hiệu quả trong các dự án BT, luật sư Phạm Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật HSLaw Hà Nội, nhận xét: Thời gian qua, phần lớn các dự án BT thường được chỉ định thầu. Các khu đất dùng để "hoán đổi" cho dự án BT cũng thường được giao theo hình thức chỉ định.
Vì thế, hầu như nhà đầu tư chủ động chọn các khu đất mà họ muốn "hoán đổi" trước, sau đó mới tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Vì vậy, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư để giao các khu đất "vàng" đã dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước lớn.
![]() |
Các khu đất dùng để "hoán đổi" cho dự án BT cũng thường được giao theo hình thức chỉ định. |
Nên bỏ chỉ định thầu
Ông Đặng Đức Sơn, chuyên gia dự án PPP, Viện trưởng Viện Quản trị Tài chính AFC đánh giá, phương thức BT Việt Nam đang gặp trục trặc do cách hiểu sai và áp dụng sai. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện các dự án gọi là đổi đất lấy hạ tầng nhưng thực chất là "hàng đổi hàng". Có nghĩa là làm đường một nơi và đất đưa ra đổi nằm một nơi, chẳng có gì liên quan đến nhau.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của các dự án BT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ 19/6/2018. Dù thuật ngữ "chỉ định thầu" không còn trong Nghị định mới hướng dẫn thực hiện PPP, song chiểu theo Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, các dự án vẫn có thể được chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt, như mang tính cấp bách, đảm bảo bí mật nhà nước… Theo nhiều chuyên gia, quy định mới này vẫn còn chưa chặt chẽ và tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Larry, Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, cho biết kinh nghiệm của nước này: Chính phủ ưu tiên lựa chọn nhà thầu là nhóm công ty liên doanh giữa một nhà thầu có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, một nhà thầu có năng lực tài chính và một nhà thầu có khả năng điều hành cơ sở hạ tầng sau khi dự án hoàn thành.
Theo Tiến sĩ Phạm Quang Tú, chuyên gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định phần lớn các dự án BT là do nhà đầu tư đề xuất, lên phương án, thực hiện,… Việc bó gọn trong 1 nhà đầu tư như vậy dẫn đến nếu giao toàn bộ cho nhà đầu tư họ sẽ tối đa hóa lợi nhuận của mình, thậm chí có thể lách luật để mang về lợi nhuận nhiều nhất.
Bài học từ các đô thị lớn trên thế giới như Singapore, Seoul, Thượng Hải, Bắc Kinh… phát triển tươm tất, bài bản như vậy là do họ khai thác tốt các giá trị từ đất thực hiện theo mô hình hợp tác công tư, hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất.
Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị UBND Tp Hà Nội và các tỉnh "tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT kể từ ngày 1/1/2018, cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành".
Tuy nhiên, để có những giải pháp tốt nhất, không chỉ một sớm một chiều có thể giải quyết được mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành chức năng.
Minh Trang