Những dự án này tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang đến cho Hạ Nội hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dự án BT này không cẩn thận sẽ lại xảy ra những sai phạm…
Đổi đất lấy hạ tầng, đó là hình thức đầu tư BT đã được thực hiện từ nhiều năm trước và thời gian gần đây, hình thức này đang “nở rộ” tại một số thành phố lớn.
162 ha đất lấy hơn 13 km đường
Tuyến đường Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3, quận Thanh Xuân có chiều dài 2,85 km được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt theo hình thức hợp đồng BT. Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT có diện tích gần 40 ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Theo công cụ đo giá đất của công ty TNHH Gạch Vàng, giá đất ở Đại Mỗ đang giao động 82-84 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tuyến đường do Liên danh CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD và công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với tổng kinh phí dự kiến là 1.412 tỷ đồng.
Hà Nội cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông 6,2 km cho liên danh công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và công ty CP đầu tư Hải Phát thực hiện, với kinh phí là 1.961 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Dự án được chỉ định cho chính nhà đầu tư đề xuất. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 đến 40 m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội (quận Hà Đông) và hai xã Đông La, La Phù (huyện Hoài Đức).
Được biết, quỹ đất đối ứng lên tới 68 ha, bao gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha); khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha); khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha); khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha); khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).
Dự án tiếp theo là tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng với chiều dài 1,653 km.
Dự án được UBND Tp. Hà Nội trao quyết định đầu tư nữa là tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2, Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai do công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng.
Tuyến đường có chiều dài 2,6 km nối từ trung tâm quận Hoàng Mai đến sông Hồng, qua các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Yên Sở. Quy mô sử dụng đất hơn 11 ha, thiết kế 8 làn xe. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành cuối năm nay.
Đổi lại, Tân Hoàng Minh được Hà Nội trả 20 ha đất nằm ở trung tâm quận Hoàng Mai, giữa hai điểm giao cắt là đường Tam Trinh và đường Lĩnh Nam.
Câu hỏi này luôn được dư luận, nhân dân đặt ra bởi qua kết quả kiểm toán mà Kiểm toán Nhà nước mới công bố về các dự án BT tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 thì 17 dự án được thanh tra đều có dấu hiệu vi phạm về công tác đấu thầu, làm thất thoát nguồn lực, ngân sách nhà nước.
Hình thức đầu tư dự án BT về cơ bản sẽ đem lại lợi ích cho Nhà nước khi nguồn tài chính còn hạn hẹp, nhưng có nhiều kẽ hở gây thiệt hại nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. |
BT có thực sự hiệu quả?
Đa phần các dự án đều được chỉ định thầu không qua đấu thầu nên dễ dẫn đến tình trạng “một mình một chợ”, không thẩm định năng lực của nhà thầu. Ngoài việc thất thoát nguồn lực ngân sách, còn dẫn đến chậm trễ khi triển khai thi công, gây ảnh hưởng đến hạ tầng xã hội và đời sống của nhân dân.
Dư luận đang đặt vấn đề về năng lực của chủ đầu tư dự án BT làm đường Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3 do Liên danh CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD và công ty TNHH Phát triển Bắc Việt.
Tuy nhiên, cả hai công ty trong liên danh CĐT này đều là các doanh nghiệp còn khá mới mẻ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng và chưa có dự án nào nổi bật trước đó.
Cũng tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khoá 14, Tổng kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai phạm trong đầu tư theo hình thức BT, như kiểm toán phát hiện tình trạng góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng; ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư; xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở; ký kết hình thức hợp đồng không phù hợp; xác định tổng mức đầu tư không chính xác lập dự án…
Hình thức đầu tư dự án BT về cơ bản sẽ đem lại lợi ích cho Nhà nước khi nguồn tài chính còn hạn hẹp. Nhưng quá trình đầu tư, theo như nhiều chuyên gia phân tích, hình thức đầu tư này có nhiều kẽ hở, nảy sinh những lợi ích nhóm, làm thiệt hại nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Đất được trả cho nhà đầu tư hiện tại đã có giá trị, khi con đường BT được hình thành, giá trị đó nhân lên gấp hàng chục lần. Chính vì lợi ích quá lớn như vậy đã nảy sinh “lòng tham” mà đây là một hình thức tham nhũng “công khai”.
162 ha mà Hà Nội trả cho nhà đầu tư xây dựng hơn 13 km đường, nếu được đấu giá công khai chắc chắn không chỉ làm được 13 km đường này mà còn xây dựng được nhiều hạ tầng thiết yếu khác phục vụ đời sống của người dân Thủ đô.
Minh Sơn