Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thành phố sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204 ha. Bên cạnh những cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ khởi công những cụm công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.
Tạo hàng nghìn việc làm
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha.
Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp hầu hết đều đạt 100% diện tích.
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Các cụm công nghiệp tại Hà Nội đang mang lại hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. |
Đơn cử, với diện tích chưa đến 130km2 nhưng địa bàn huyện Thường Tín có tới 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, không gian làng xã dần trở nên chật hẹp, bí bách.
Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân, hơn 20 năm qua, huyện Thường Tín đã tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề.
Đến nay, huyện đã có 11 cụm công nghiệp hoạt động ổn định với diện tích hơn 195ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút gần 1.000 cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân, đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh cải thiện sản xuất, tạo việc làm, sự hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm, vấn đề từng là bài toán nan giải trong khu dân cư tại các quận, huyện của thủ đô trước đây.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Trước đó, trong báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho thấy trong 2 quý đầu năm 2022, Ban Quản lý thu hút đầu tư được 4 dự án mới, vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng, 12 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất, kinh doanh, trong nửa đầu năm 2022, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là gần 4,9 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 238,5 triệu USD.
Trong những tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp cả năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021), triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2-3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phấn đấu doanh thu đạt 8.200 triệu USD, nộp ngân sách 229,4 triệu USD…
Tuy nhiên, bên cạnh những những điểm tích cực, theo đánh giá, quá trình phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập.
Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, năm 2021, thành phố Hà Nội giao kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, mới có cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng và tiền thi công.
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thành phố sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204ha. Bên cạnh những cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả, thành phố đang đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ khởi công những cụm công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.
Riêng trong năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn như Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp; Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.
Cùng với đó, để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo đúng kế hoạch đề ra, thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập.
Linh Chi