Thực hiện Luật Đất đai 2013, việc cấp GCN QSDĐ lần đầu vẫn thuộc thẩm quyền của cấp quận, huyện. Hải Phòng là một trong số địa phương thực hiện thí điểm chuyển giao việc cấp đổi GCN QSDĐ lên Sở TN&MT. Theo đó, UBND Tp. Hải Phòng ra Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND ngày 7/2/2020 và Quyết định số 299/QĐ- UBND ngày 10/2/2020, bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 15/3/ 2020.
Từ đó đến ngày 2/10/2020, theo báo cáo tại Văn bản số 3569 /STN và MT - CCQLĐĐ của Sở TN&MT, đã thụ lý 9540 hồ sơ, trả kết quả 8133 hồ sơ, đang thụ lý giải quyết 1237 hồ sơ, trả về cho chi nhánh cấp quận huyện 170 hồ sơ. Những hồ sơ chậm trả kết quả đều rơi vào tình trạng tách thửa do chuyển nhượng QSDĐ.
Người dân bức xúc vì mòn mỏi chờ đợi
Ông Nguyễn Công Bưởng (89 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Bí (88 tuổi), bức xúc nói: “Đất của chúng tôi tại xã Đằng Hải (huyện An Hải) nay chuyển địa giới hành chính thành phường Đằng Hải (quận Hải An). Đất do cha ông tôi để lại 1300m2. Năm 2017, nhà tôi được cấp GCNQSDĐ. Từ năm 2017, do tuổi cao, tôi muốn chuyển nhượng một phần để dưỡng già, chữa bệnh, chia cho 5 đứa con, các cháu. Nhưng cơ quan chức năng không tiếp nhận hồ sơ, với lý do là đất của tôi nằm sát vùng quy hoạch tái định cư điểm số 4 cây Lim và nằm trong vùng quy hoạch tỷ lệ 1/2000".
Cũng như nhiều người dân, điều mong mỏi của ông Bưởng và bà Bí là được tách thửa đất ở cho con cháu và bán một phần để dưỡng già, chữa bệnh. |
Một người dân khác là bà Nguyễn Ngọc Uyên cho biết: “Đất của tôi có diện tích 200m2, là loại đất ở, tại thửa đất số 41, bản đồ số 44, thuộc tổ dân phố Đông Lãm, phường Đa Phúc, quận Dương Kinh. Năm 2018, tôi bán 80m2, còn 120m2. Năm 2020, tôi muốn tách ra bán 40m2, giấy hẹn đến 21/5 trả kết quả, nhưng đến hôm nay gần giữa tháng 12 mà vẫn chưa có. Lý do họ đưa ra là đất của tôi nằm trong vùng quy hoạch tỷ lệ 1/2000 làm dải cây xanh và xây dựng đường nhưng chưa có quyết định, thông báo thu hồi đất và bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500”.
“Thực tế quy hoạch đó nằm ở 2 đầu mảnh đất của tôi đã bán từ năm 2018. Diện tích 120m2 còn lại, tôi xin tách ra bán 40m2 không nằm trong quy hoạch trên và phù hợp quy hoạch đất ở. Họ viết thư xin lỗi về sự chậm trễ, nhưng vẫn chưa giải quyết, có lẽ tôi phải kiện họ ra tòa”, bà Uyên giải thích thêm.
Cũng như nhiều hộ dân, bà Uyên thắc mắc: Trước đây, khi việc việc cấp GCNQSĐ nói chung và cấp lại GCN QSĐ do tách thửa nói riêng được cấp quận, huyện thực hiện rất nhanh, thuận tiện. Nay, vì sao lại đưa lên Sở TN&MT gây phức tạp và dân phải đợi chờ quá lâu? Nếu trên đường di chuyển từ quận huyện đến Sở TN&MT, vì lý do nào đó làm cán bộ thất lạc, mất hồ sơ gốc giải quyết ra sao? Ai chịu trách nhiệm?
Vì sao tách thửa phải chuyển lên Sở TN&MT?
Chuyển băn khoăn của người dân về “nguy cơ mất hồ sơ” khi di chuyển từ quận, huyện lên Sở TN&MT, một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai của Sở TN&MT Hải Phòng (xin giấu tên) giải thích: “Do Luật quy định. Mà nếu mất thì chúng tôi sẽ làm lại! Bởi, Sở đã có phương án để giải quyết trường hợp người dân bị mất hồ sơ. Hồ sơ của công dân, Sở vẫn đang quản lý nên người dân sẽ được cấp lại một bộ hồ sơ khác để thay thế có giá trị tương đương, bảo đảm quyền lợi cho công dân”.
Một trong những hộ dân bức xúc phản ánh thông tin đến Văn phòng đại diện báo Thời báo Kinh Doanh. |
Đồng thời, vị này cũng than phiền: “Từ ngày chuyển việc tách thửa, đăng ký biến động đất đại lên Sở TN&MT, dù Sở được tăng cường đến 200 nhân viên, nhưng hôm nào cũng làm quá giờ, thậm chí tới 8 giờ tới mới rời khỏi cơ quan”.
Nhiều người dân cho rằng, mất hồ sơ gốc, cán bộ khổ, dễ bị kỷ luật, mà dân cũng khổ, đợi chờ lâu. Nếu vậy, việc đăng ký biến động đất đai, cụ thể là việc tách thửa đất của công dân có nên chuyển lên Sở TN&MT?
Sự chậm trễ đó không phải không có cơ sở, vì đến ngày 2/10/2020, tại Văn bản số 3569/STN và MT- CCQLĐĐ của Sở TN&MT nêu: Việc tách thửa đất của các hộ dân để xây dựng kinh doanh nhà ở trên địa bàn các quận huyện gây nguy cơ áp lực với hạ tầng kỹ thuật..vv.(!?) Quy định việc tách thửa tại Quyết định 1394/2015/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 (căn cứ Luật Đất đai năm 2013) của UBND Tp. Hải Phòng tạo ra chênh lệch địa tô, không phù hợp với quy định về diện tích tối thiểu giao đất tái định cư.
Văn bản này cũng nói rõ sự bất cập: Việc quy định về hạn mức tối thiểu tách thửa phải có diện tích 30m2 trở lên (cạnh nhỏ nhất phải bằng hoặc lớn hơn 3m) đối với đất ở đô thị và 50m2 đối với khu vực nông thôn như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho hình thành các khu dân cư tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn cho công tác quản lý hành chính, đồng thời không phù hợp với quy định về diện tích tối thiểu giao đất ở tái định cư, khu đô thị 40m2, khu vực nông thôn 60m2.
Tại Văn bản 3569, Sở TN&MT Hải Phòng còn nại rằng: Hiện nay, thành phố đang triển khai rất nhiều dự án trọng điểm, tại các quận, huyện như: Hồng Bàng, Hải An, Lê Chân... và những thửa đất nằm trong quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt vào mục đích cây xanh, thể dục, thể thao, công trình công cộng, không phù hợp quy hoạch đất ở.
Sở TNMT đề xuất: Đối với hồ sơ Văn phòng đăng ký đất đai đã tiếp nhận, người dân đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (với Nhà nước - PV), xin tách thửa đất, không phù hợp với tỷ lệ 1/2000 nhưng bảo đảm điều kiện tại điều 49 Luật Đất đai 2013 và Quyết định 1394/2015/QĐ-UBND thì tiếp tục thực hiện việc cấp GCN cho công dân (có nghĩa được tách thửa - PV); Đối với hồ sơ mới tiếp nhận, người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chỉ thực hiện việc chia tách thửa đối với trường hợp phù hợp quy hoạch.
(Bài 2) Hải Phòng: Vì sao chậm tách thửa đất ở cho công dân - Sở TN&MT bị 'tuýt còi'?
Vũ Trang - Thu Trang