Tại văn bản, Công ty Hoàng Huy nêu lý do tạm dừng thi công 2 tòa nhà là do tiến độ thanh toán mà công ty nhận được bị chậm. Đến nay, 2 tòa nhà HH3 và HH4 có dự toán 1600 tỷ đồng, thành phố mới thanh toán được 5,1ha đất tại đường Chi Lăng (nhà máy đóng tàu Sông Cấm cũ) với trị giá 194,4 tỷ đồng, bằng 12%.
Trong khi công ty gặp khó khăn vì Thành phố Hải Phòng thanh toán chậm thì dư luận lại cho rằng Hoàng Huy đang hưởng ưu ái khi được thanh toán bằng quỹ đất với giá ưu đãi. Theo Hoàng Huy, điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty và một số lãnh đạo thành phố.
Người dân lo lắng
Theo thống kê, Hải Phòng có 205 nhà chung cư cũ được xây dựng trong những năm 1960 thế kỷ trước. Kiến trúc lạc hậu, nhà xuống cấp nghiêm trọng đe dọa tính mạng, sức khỏe của gần 7.400 hộ dân. Sở Xây dựng đã tham mưu cho Thành phố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, trong đó sẽ phá dỡ 178 chung cư (7.034 hộ dân) để xây dựng lại 18 tòa nhà chung cư mới cao từ 05 đến 29 tầng cho tổng số 7.482 căn hộ và phấn đấu đến năm 2024 phải xong. Còn 27 chung cư với 1.040 căn hộ được giữ lại để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Diện tích đất sau khi phá dỡ các chung cư cũ sẽ xây dựng các chung cư mới còn lại sẽ được sử dụng làm vườn hoa, công viên và các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Nguồn vốn để sử dụng xây dựng lại các chung cư cũ được dự tính bằng hình thức BT.
![]() |
Khu nhà HH1 và HH2 đang tạm dừng thi công |
Đến nay hình thức BT đã phát huy được những hiệu quả rõ rệt, Hải Phòng đã hoàn thành đầu tư xây dựng chung cư U19 Lam Sơn với quy mô 05 tầng (56 căn hộ) do Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng thực hiện; chung cư N1, N2 Lê Lợi với quy mô 06 tầng (126 căn hộ) do Công ty Hoàng Huy thực hiện.
Gần đây, Công ty Hoàng Huy đã bàn giao cho khách hàng tòa nhà HH4 Đổng Quốc Bình với 728 căn hộ; riêng tòa nhà HH3 đã hoàn thiện đang chờ bàn giao nâng tổng số 2 tòa nhà có sức chứa lên hơn 1456 căn hộ. 2 tòa nhà được dư luận cho rằng không kém bất cứ loại khách sạn 3-4 sao nào trên toàn quốc.
Thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Hải Phòng đã huy động nguồn lực của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội bằng hình thức đấu thầu công khai. Việc làm này đã góp phần giảm được gánh nặng về nguồn ngân sách thành phố, làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện chất lượng nhà ở của người dân thu nhập thấp.
Tuy nhiên giữa tháng 6 vừa qua, Công ty hoàng Huy bất ngờ gửi công văn đến UBND TP Hải Phòng và Sở Xây dựng xin được tạm dừng thi công 2 tòa nhà HH1 và HH2 Đổng Quốc Bình với tổng mức đầu tư dự toán hơn 1200 tỷ đồng. Được biết công trình này đã hoàn thành xây dựng xong phần khó khăn nhất của tòa nhà là phần ngầm và móng nhà, với kinh phí ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Và doanh nghiệp này sẵn sàng bàn giao cho đơn vị khác thực hiện.
Thông tin này khiến dư luận xôn xao, còn người dân ở khu nhà cũ tại Đồng Quốc Bình đang phải đi tạm lánh và chờ về nhà mới vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhất là những hộ dân đang phải ở nhờ hoặc thuê nhà, chờ HH1 và HH2 hoàn thành để được tái định cư.
![]() |
Cầu thang của một nhà chung cư khu An Dương |
Chị N.T.L, nhà D6, tập thể Đổng Quốc Bình chia sẻ: “Gia đình tôi hiện đang sống trong khu tập thể cũ được kiểm tra, đánh giá là nguy hiểm. Chúng tôi rất mong chờ thành phố sẽ bàn giao cho gia đình căn hộ tại HH1 hay HH2 nhưng khi nghe thông tin Công ty Hoàng Huy tạm dừng thi công dự án, gia đình rất hoang mang. Chúng tôi mong muốn thành phố đã làm cho dân thì sẽ có giải pháp đàm phán với doanh nghiệp để công trình được hoàn thành như dự kiến”.
Chị N.P.D khu tập thể Vạn Mỹ nói: “Chúng tôi mong từng ngày chung cư HH1, HH2 thi công xong để được chuyển tới ở vì căn nhà tôi đang ở hiện xuống cấp trầm trọng. Nhà ở ẩm mốc, nhiều chuột, gián, vữa tường bong tróc từng mảng lớn, rất nguy hiểm tính mạng, sức khỏe. Giờ dự án tạm dừng, chúng tôi lo lắng liệu có cơ hội được hưởng chính sách của thành phố nữa hay không ?”
Với việc Công ty Hoàng Huy xin tạm dừng thi công Tòa nhà HH1 và HH2 Đồng Quốc Bình, theo ông Phùng Văn Thanh - GĐ Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho biết: “ Theo quy định pháp luật về đầu tư theo đối tác công tư, thì việc tạm dừng thực hiện hợp đồng chỉ được tiến hành trong điều kiện các bên liên quan mắc sai phạm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn chưa để xảy ra sai sót trong quá trình triển khai nên việc xin tạm dừng này là chưa hợp lý. Thành phố cùng Sở Xây dựng vẫn đang làm việc cùng với Công ty Hoàng Huy để đưa ra biện pháp giải quyết sớm trong thời gian tới”.
Đừng để doanh nghiệp "chùn bước"
Theo tìm hiểu của PV, để trở thành chủ đầu tư của dự án nhà ở theo hình thức BT không phải doanh nghiệp nào cũng dũng cảm dấn thân vào cuộc. Bởi, ngoài yếu tố phải bỏ nguồn vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng và kéo dài trong nhiều năm, doanh nghiệp phải trải qua hàng loạt các thủ tục “ sát hạch” hành chính trước khi được công nhận là nhà thầu. Ngay cả khi bắt tay vào thi công, nhà thầu hay gọi chính xác hơn là nhà đầu tư cũng phải trải qua hàng loạt những "cửa ải" khó vượt qua.
Sau khi Sở Xây dựng đưa ra “đề bài” là kế hoạch, quy hoạch xây dựng các nhà chung cư xuống cấp, các nhà đầu tư phải trình bộ hồ sơ, trong đó có kế hoạch đấu giá từng khu đất nếu được thanh toán. Sau khi được các sở chức năng thẩm định, nhà đầu tư nào có năng lực tài chính lớn nhất, năng lực thi công với thời gian nhanh nhất, giá đất trả thanh toán cao nhất... sẽ được vào đấu thầu quốc tế hoặc đấu thầu trong nước (Trên 120 tỷ đồng là đấu thầu quốc tế, dưới 120 tỷ đồng đấu thầu trong nước - PV ).
Sau khi trúng thầu, Thành phố ủy quyền để Sở Xây dựng ký hợp đồng với nhà đầu tư để giám sát, thực hiện hợp đồng. Kể từ khi đã ký kết hợp đồng triển khai dự án, mọi thủ tục về xây dựng liên quan đến dự án sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện với các cơ quan có thẩm quyền, như thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch; Lập chủ trương đầu tư; Lập dự án đầu tư… để lại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Kết hợp cùng địa phương quận, huyện để thực hiện giải phóng mặt bằng... cho đến tạm lánh, sau đó mới được xây dựng.
![]() |
Về tái định cư như ở Nhà HH3, HH4 là niềm mơ ước của nhiều người dân thu nhập thấp |
Về phần thanh toán trả bằng quỹ đất, trên cơ sở hồ sơ khu đất do nhà đầu tư đề nghị thanh toán, kết quả đấu thầu xây dựng và giá đất được đấu giá nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì trước đó các bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, nhất là đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất nhà ở, phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý. Sau đó, nhà đầu tư mới được cơ quan có thẩm quyền giao đất và tính giá đất để nộp thuế,….
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư phải luôn "thuộc bài" về quy trình thủ tục từ cấp địa phương đến cấp Trung ương, nhất là việc Quy mô của dự án phải trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt và việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Như vậy, nhà đầu tư phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan.
Được biết các dự án xây dựng chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP Hải Phòng do Hoàng Huy thực hiện bao gồm: Công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH1, HH2, HH3, HH4 phường Đổng Quốc Bình và dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư các dự án do Công ty Hoàng Huy đã, đang thực hiện khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù có thông tin cho rằng Công ty Hoàng Huy đang được TP.Hải Phòng “ưu ái” cho đầu tư một loạt dự án đổi hàng trăm ha đất ở những vị trí “vàng”, “ kim cương”, nhưng trên thực tế TP.Hải Phòng mới thanh toán cho nhà đầu tư này được tổng giá trị khoảng hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, có 01 lô đất trước đây của nhà máy đóng tàu Sông Cấm cũ, với diện tích 5,1 ha tại đường Chi Lăng, phường Thượng Lý (Hồng Bàng), thành phố mới thanh toán là 194,4 tỷ đồng, tương đương khoảng 12% giá trị hợp đồng. Nhưng điều đáng nói là trước đó, Công ty Hoàng Huy đã phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để mua lại mảnh đất này (với lý do mua tài sản trên đất).
Như vậy, việc “chậm làm các thủ tục thanh toán” cho những công trình do các nhà đầu tư đã “xuống tiền” và đã bàn giao cho thành phố cũng đang gây khó khăn rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiến độ xây dựng của các dự án khác (HH1 và HH2 là ví dụ). Nhưng lớn hơn cả là sẽ xảy ra việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhìn vào sự việc "nhãn tiền" của Công ty Hoàng Huy.
Được biết trong giai đoạn 2020 đến 2025, thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ khởi công xây dựng mới 12 chung cư hiện đại bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trước mắt là các chung cư VM1, VM2, VM3 thay thế 10 chung cư cũ tại phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền; 02 chung cư mới thay thế 24 chung cư cũ tại khu Lam Sơn, An Dương quận Lê Chân”. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn xây dựng nhằm thay thế nguồn ngân sách Nhà nước cũng đang là “đề bài” khó giải cho lãnh đạo của TP. Hải Phòng.
Vũ Trang- Thu Trang