Thời gian qua, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn liên tục làm “nóng” dư luận xã hội. Đặc biệt, các công trình homestay, nhà lưu trú, khu nghỉ dưỡng… xây dựng trái phép trên đất rừng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tiếp tục quản lý chặt
Theo ghi nhận của phóng viên Vnbusiness, dọc theo hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), hàng loạt công trình biệt thự, nhà cao tầng xây dựng trái phép liên tiếp mọc lên dù địa điểm này chỉ cách trung tâm UBND xã Minh Trí khoảng 6km.
Thực tế, ngay từ những năm 2018-2019, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành kết luận thanh tra và yêu cầu xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn xuất hiện thêm nhiều công trình trái phép mới.
Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt các dự án vi phạm trật tự xây dựng. |
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong tháng 8 và tháng 9/2023, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phá dỡ 5 công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bê tông thôn Ban Tiện (xã Minh Phú), nơi vừa xảy ra vụ đất đá vùi lấp hàng chục ô tô. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục siết chặt các công trình vi phạm trong thời gian tới.
Không chỉ ở Sóc Sơn, vấn đề quản lý vi phạm trật tự xây dựng đang được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đô thị hóa quá nhanh. Nhiều địa phương đang cho các lực lượng kiểm tra hàng tuần để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, bởi công nghệ xây dựng hiện nay có thể làm một ngôi nhà trong vài tuần, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn hơn.
Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 8/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, TP. Hà Nội cần tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Nâng cao hiệu quả
Trước đó, qua 5 năm thí điểm, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết.
Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng bị cơ quan chức năng phá dỡ tại Sóc Sơn. |
Cụ thể, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
Hiệu quả của mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là một trong những nhân tố giúp quá trình quản lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng có thêm những kết quả tích cực. Qua đó, giúp diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.
Các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được củng cố, nâng cao.
“Tối hậu thư” cho các dự án vi phạm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị còn một số tồn tại, hạn chế, tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều quy định quản lý chưa được đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP. Hà Nội với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, chậm xử lý hoặc thiếu quyết liệt.
Trước thực tế đang diễn ra, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 158-CV/BCSĐ ngày 28/3/2023, về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban cán sự Đảng và Tập thể lãnh đạo UBND TP.
Kế hoạch được ban hành với mục đích chấn chỉnh và khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đã được chỉ ra, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tổ chức trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội.
Đáng chú ý, tại Kế hoạch 182/KH-UBND, ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể còn quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã như: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP. Hà Nội về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã không xem xét hoặc kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho các chủ đầu tư chưa khắc phục xong vi phạm về TTXD hoặc chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả biện pháp khắc phục hậu quả) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nhật Minh