Theo Công an TP. Hà Nội, trong thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, đã giúp tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2022.
Xây dựng “lối thoát nạn thứ 2”
Cụ thể, hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, trong 3 tháng qua, đã có hơn 40 vụ cháy được người dân dập tắt tại chỗ, đảm bảo an toàn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Thành phố đã vận động, hướng dẫn đến trên 108.000 hộ, đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh và tính đến nay đã có trên 102.000 hộ, đạt 94,1% hộ mở "lối thoát nạn thứ 2". Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chặn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã có 1.496.239/1.628.346 hộ mở "lối thoát nạn thứ 2".
Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân. |
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP đã có trên 620.900 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, với tổng số gần 1 triệu bình. Đã có 30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập trên 5.300 Đội dân phòng. Các đội viên đội dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận theo quy định.
Đặc biệt, sau thời gian triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND, trên địa bàn TP đã thành lập, duy trì hoạt động 3.164 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 11.422 điểm chữa cháy công cộng (đạt 100% chỉ tiêu đã đăng ký)… Đồng thời, tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia. Phấn đấu hết quý III/2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.
Thời gian tới, TP sẽ vận động 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2, đồng thời vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, 1 dụng cụ phá dỡ; cá nhân, thành viên trong hộ gia đình biết cách sử dụng phương tiện PCCC và CNCH ban đầu. Ít nhất 20% dân số trên địa bàn quản lý đã cài đặt App báo cháy 114, quan tâm tài khoản Zalo của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ Công an. Mục tiêu hoàn thành xong trước ngày 15/12/2023.
Đề xuất có quy định lắp báo cháy
Có thể thấy, vấn đề PCCC luôn là vấn đề nóng được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, Công an Thành phố đã nhận diện một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như tình hình cháy, nổ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, các vụ cháy tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất vẫn xảy ra...
Hẳn người dân Hà Nội và cả nước chưa thể quên những vụ cháy lớn diễn ra thời gian gần đây. Trong đó, 3 vụ gây rúng động xã hội là vụ cháy tại cửa hàng xe máy điện Ánh Dương (huyện Hoài Đức), vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), và vụ cháy tại 24A Thành Công (quận Hà Đông).
Theo Thượng Tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội, cả 3 vụ cháy nêu trên đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Với kinh nghiệm từ các vụ cháy trên, Công an TP. Hà Nội đề xuất, về lâu dài, trong các quy định về PCCC cần có các điều khoản rõ ràng về việc lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh.
Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân là giải pháp quan trọng để nâng cao an toàn PCCC. |
Đồng quan điểm, Đại tá Dương Đứng Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, nhấn mạnh trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy, trước mắt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh để phát hiện cháy sớm.
Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần quan tâm đầu tư trụ nước, bể nước trong khu dân cư để bảo đảm nguồn nước lưu thông hiệu quả, quan tâm trang thiết bị cho lực lượng PCCC. Các lực lượng chức năng tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền các mô hình PCCC như các Tổ liên gia an toàn PCCC, các điểm chữa cháy công cộng cần phải ở nơi dễ nhìn, có hộp trang bị đủ phương tiện PCCC…
Xây dựng chỉ thị về PCCC
Ghi nhận những kết quả trong công tác PCCC trên địa bàn TP, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh những hạn chế còn tồn tại, qua đó đề nghị Công an Thành phố cần tham mưu, kết hợp Chỉ thị của Thành ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ để kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị để xảy ra vi phạm PCCC.
Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương rà soát theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và các quy định của Bộ Công an, từ đó rà soát các Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, bố trí trang thiết bị phải đầy đủ.
“Phải bảo đảm 100% các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau tham gia vào các Tổ liên gia an toàn PCCC. Việc vận hành các Tổ cũng phải thực sự thực chất, tránh hình thức”, ông Lê Hồng Sơn nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm an toàn PCCC.
Về xử lý công trình vi phạm, ông Lê Hồng Sơn đề nghị HĐND tăng cường giám sát, xử lý nhanh, triệt để. Các quận huyện thị xã báo cáo khó khăn, vướng mắc kịp thời để UBND TP tháo gỡ.
Ngoài ra, thời gian tới, Công an Thành phố cần chủ động tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị về PCCC, trong đó tập trung vào các vấn đề cấp bách như sử dụng điện, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, xây dựng đề án nâng cao năng lực tổng thể về PCCC của Công an Thành phố.
Nhật Minh