Tác động của đại dịch Covid-19, cộng thêm chu kỳ 10 năm của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gặp rất nhiều khó khăn. Đây là ý kiến của một số chuyên gia và doanh nghiệp nêu ra tại Diễn đàn BĐS năm 2020 “Cơ hội mới từ chính sách và thị trường” vừa được tổ chức.
Doanh nghiệp gặp khó
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, sau đại dịch, các doanh nghiệp mong chờ chính sách hỗ trợ, mong chờ được tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, thị trường BĐS liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, thậm chí liên quan đến 10 luật khác nhau. Do vậy, các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ nhưng nhiều khi vấp phải những quy định mới lại tiếp tục gây ra bế tắc.
Đơn cử, vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác. Hay những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn…, có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp phải "chạy" trước để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực. Bởi nếu không lo thủ tục trước thì thời gian hoàn thiện được thủ tục mất rất nhiều thời gian, chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới.
“Chính vì vậy, có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách”, ông Hà nói.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp và thị trường BĐS hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, doanh nghiệp mong chờ nhất là gỡ rối cơ chế chính sách.
Ông Hiệp lấy ví dụ, một dự án muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp "bó tay".
Theo ông Hiệp, các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan đến Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Do đó, khi xây dựng, sửa đổi luật nên mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn. Còn về Luật Xây dựng, dù có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng bên cạnh đó còn nhiều thủ tục phiền hà làm chậm tiến trình phát triển.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Gamuda Land HCM cho biết, bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, các nhà đầu tư mong muốn hơn việc minh bạch các chính sách pháp luật. Đồng thời, các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường BĐS.
Ngoài tác động từ dịch Covid-19 và chu kỳ 10 năm, thị trường BĐS còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách (Ảnh: Internet) |
Tập hợp ý kiến để kiến nghị Chính phủ
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để tháo gỡ khó khăn về kinh tế vĩ mô, vừa qua Chính phủ đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp như giảm thuế, phí, lãi vay và giảm tiền thuê đất cho các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Riêng với thị trường BĐS, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ, như cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định.
Tiếp đó là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
“Có thể nói, các giải pháp của Chính phủ vừa qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh”, ông Sinh chia sẻ.
Trước các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có những vấn đề ở cấp địa phương, có những vấn đề ở cấp bộ, ngành nhưng cũng có những vấn đề ở tầm Chính phủ và Quốc hội.
Theo ông Lộc, những vấn đề bất cập của thị trường liên quan đến 10 luật, trong đó có Luật Đất đai chưa được sửa đổi trong nhiệm kỳ này là bất cập lớn nhất của hệ thống pháp luật. Luật Quy hoạch vừa ra đã có nhiều bất cập với những ràng buộc, khó khăn.
Tuy nhiên, ông Lộc chia sẻ, tất cả các luật vừa được Quốc hội ban hành đều có thể xem xét sửa đổi.
"Hiện nay, Tổ công tác của Chính phủ đang rà soát những bất cập về thực hiện các thủ tục hành chính. Chúng tôi đã có báo cáo đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tập hợp và đưa ra kiến nghị trước Chính phủ”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc kỳ vọng, thị trường BĐS hiện nay đang hồi phục tốt, cơ hội sắp tới có nhiều triển vọng, chính sách mới được ban hành, thị trường có nhiều điểm sáng, người dân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin vào thị trường này và chung tay thúc đẩy cho thị trường BĐS phát triển.
Phạm Minh