Theo CBRE, sau khi giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp và các trung tâm mua sắm cũng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ở một số dự án thời gian mở cửa còn hạn chế.
Về nguồn cung, 6 tháng đầu năm 2020 thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn một triệu m2 diện tích thực cho thuê (NLA).
Diễn biến thị trường trong quý II/2020 phản ánh một số thay đổi về giá chào thuê và tỷ lệ trống do sự ảnh hưởng từ dịch bệnh. Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại khu vực trung tâm ghi nhận tăng 2,5% so với cùng kỳ và không thay đổi theo quý, đạt 98,1 USD/m2/tháng. Với lợi thế về vị trí và nguồn cung mới hạn chế, khu vực trung tâm ghi nhận kết quả hoạt động lạc quan hơn so với các cụm bán lẻ khác. Tỷ lệ trống tiếp tục ở mức thấp dưới 1%, giảm 0,7đpt theo năm và không đổi theo quý.
Mặc dù dịch Covid-19, nhưng mặt bằng bán lẻ trung tâm vẫn tăng giá (Ảnh: Internet) |
Ngược lại, hoạt động thị trường tại khu vực ngoài trung tâm ghi nhận một số điều chỉnh giảm, do một số dự án đưa ra mức giá chào thuê thấp hơn. Giá chào thuê tầng trệt và tầng một trung bình đạt 24,7 USD/m2/tháng, giảm 0,7% theo năm và 0,5% theo quý. Tỷ lệ trống đạt 9,78%, cao hơn 1,11đpt theo năm và 1,63đpt theo quý.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho bối cảnh kinh doanh trở nên đầy thách thức cho các nhà bán lẻ và dẫn đến những thay đổi đáng kể về chiến lược hoạt động của các thương hiệu cho nửa cuối năm 2020.
Một khảo sát nhanh gần đây của CBRE về thị trường bán lẻ tại châu Á – Thái Bình Dương vào quý II/2020 cho thấy 65% đơn vị bán lẻ được khảo sát dự kiến sẽ tạm hoãn việc mở rộng/mở mới. Trong khi đó, những kế hoạch hoạt động trong tương lai sẽ được đánh giá kĩ lưỡng hơn. Một số thương hiệu thuộc các ngành hàng như thời trang và phụ kiện đã báo cáo doanh thu sụt giảm so với năm trước lên tới 30 - 45% tại cả toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời thông báo đóng cửa hàng tại nhiều địa điểm.
Tại thị trường trong nước, Việt Nam dự kiến sẽ tạm đối mặt với số lượng nhà bán lẻ quốc tế mới hạn chế trong năm 2020. Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các thương hiệu nước ngoài khi CBRE quan sát được hoạt động mở mới đến từ các công ty lớn như Uniqlo (Nhật Bản) và Haidilao (Trung Quốc) trong 6 tháng qua.
Nguồn cung tương lai vào năm 2020 dự kiến sẽ xấp xỉ 54.000 m2 NLA. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã có tác động nhất định đến việc mở mới của các trung tâm mua sắm cũng như kế hoạch mở rộng kinh doanh của các khách thuê vào năm 2020. Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn dự kiến đón nhận hơn 450.000 m2 NLA trong 3 năm tới, chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm.
Hai dự án TTTM mới Vincom dự kiến đi vào hoạt động (Vincom Megamall Ocean Park và Vincom Megamall Smart City), tận dụng nguồn cầu từ chính hai dự án đại đô thị phía Đông và phía Tây. Bên cạnh các đơn vị lớn nội địa, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Hà Nội.
Aeon Group hiện đang kì vọng phê duyệt xây dựng dự án lớn nhất tại Việt Nam – TTTM Aeon Mall Hoàng Mai, sau dự án Aeon Mall Hà Đông mở cửa vào quý IV/2019. Những TTTM có quy mô lớn này được kỳ vọng sẽ nâng cấp về thiết kế, đa dạng về ngành hàng và tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội ngoài khu vực trung tâm.
"Phía Tây và khu vực Đống Đa – Ba Đình tiếp tục đóng vai trò là cụm bán lẻ chính của Hà Nội, việc phát triển thêm các dự án mới tại các khu vực khác trên toàn thành phố sẽ giúp tạo ra nhiều điểm mua sắm thay thế", CBRE nhận định.
Minh Phạm