Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bất động sản là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) nhất trong năm 2021, với khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản của một số doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý.
Doanh nghiệp nội tăng tốc
Những thương vụ M&A điển hình trong năm 2021 có thể kể đến như công ty CP Vinhomes công bố mua khu đô thị Đại An quy mô 300 ha tại tỉnh Hưng Yên, công ty CP Đầu tư Nam Long hoàn tất mua lại 100% dự án tại Đồng Nai từ Keppel Land, đồng thời nhận chuyển nhượng dự án Waterfront Đồng Nai.
Hay những thương vụ cũng rất đáng chú ý khác là Danh Khôi mua lại 100% vốn từ một doanh nghiệp Nhật Bản để trở thành chủ đầu tư Dự án Sun Frontier (Đà Nẵng), Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, Becamex IDC và Central Retail Vietnam bắt tay phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương...
Các doanh nghiệp trong nước đang giành lại lợi thế trong cuộc đua M&A bất động sản. |
Các thống kê cho thấy diễn biến của cuộc đua M&A trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đang nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khi cho rằng, làn sóng dịch lần thứ 4 sẽ khiến hoạt động này bị chậm lại. Song thực tế nó chỉ đúng với nguồn vốn ngoại (giảm so với kỳ vọng), còn với khối các doanh nghiệp nội mặt trận M&A vẫn diễn ra vô cùng sôi động.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ việc kết quả kinh doanh của các “ông lớn” ngành địa ốc trong quý III/2021 vẫn rất khả quan. Điển hình như công ty CP Vinhomes có mức lợi nhuận ròng tăng tới 82% so với cùng kỳ năm trước, hay Novaland cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý III tăng gần 159% so với cùng kỳ 2020.
Bên cạnh việc gia tăng quỹ đất để “chờ thời”, các doanh nghiệp nội cũng đang chuyển hướng M&A sang phân khúc bất động sản công nghiệp với hàng loạt thương vụ đáng chú ý.
Savills Việt Nam cho biết, công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với vốn đầu tư 300 triệu USD và đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê phân khúc cao cấp, danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai và Long An.
Một thương vụ khác là Vingroup đang đẩy mạnh sở hữu mảng bất động sản công nghiệp khi nắm trong tay 2 khu công nghiệp tại Hải Phòng, gồm Nam Tràng Cát (200ha) và Thủy Nguyên (319ha). Đặc biệt, tập đoàn này cũng đã thành lập Vinhomes IZ - công ty con phụ trách bất động sản công nghiệp.
Đủ sức dẫn dắt “cuộc chơi”?
Theo dự báo, xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Bởi các công ty địa ốc lớn như Vinhomes, Novaland, Phát Đạt, Danh Khôi... vẫn đang triển khai các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Quỹ đất cũng ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt, các chủ đầu tư yếu kém qua các làn sóng dịch mất dần nội lực, buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn.
Mặt khác, cuộc đua M&A được dự báo tiếp tục nóng lên là bởi đây là một trong những “quân bài” giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng.
Đơn cử, tập đoàn An Gia vốn xuất phát điểm từ một doanh nghiệp môi giới nay đã trở thành nhà phát triển dự án nhờ chiến lược M&A. Doanh nghiệp này gần đây đã gây chú ý khi công bố mỗi năm sẽ chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất quy mô lớn để triển khai các dự án phức hợp.
Theo đó, An Gia đã mua lại 3 ha đất tại Bình Dương để phát triển dự án cao tầng với quy mô gần 3.000 sản phẩm và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 ha đất để phát triển dự án thấp tầng.
Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư (Savills Hà Nội), cho hay khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, họ đã đủ tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện. "Khi đó, M&A là cách nhanh chóng để mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh", bà Lan nói.
Mọi con số thống kê đều chứng minh "gió đang đổi chiều" trên đường đua M&A trong lĩnh vực bất động sản, khi các doanh nghiệp nội trước đây vẫn bị đánh giá ở thế “cửa dưới” nay lại cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ. Song, câu hỏi đặt ra là liệu các đại gia trong nước có đủ sức dẫn dắt cuộc chơi?
Câu trả lời là có, bởi lợi thế của khối nội hiện tại là sự thông thạo vùng miền, linh hoạt về dòng vốn nên rất tự tin khi thực hiện M&A và phát triển sản phẩm. Các chủ đầu tư trong nước cũng đang giữ vai trò tiên phong tại các thị trường mới, vùng ven, từ đó lôi kéo các nhà đầu tư tham gia cuộc chơi.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn khiến nhà đầu tư ngoại e ngại khi di chuyển, theo đó, đây là cơ hội tiếp tục thay đổi cục diện thị trường M&A bất động sản của khối các doanh nghiệp nội.
Tuy nhiên, thay vì phân xử về việc ai sẽ là người dẫn dắt, theo các chuyên gia, một xu hướng M&A hiện nay là chuyển dần từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác, tạo nên những giá trị cộng hưởng, lợi cho cả đôi bên.
Thực tế, thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại cũng nằm trong xu thế này, với sự tôn trọng dành cho các đối tác địa phương vốn là những người am hiểu thị trường, đảm bảo quỹ đất sạch. Theo đó, những giao dịch mang tính chất hợp tác, nhà đầu tư Việt Nam có thể giữ lại 15-20%, có trường hợp là 50 - 50.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, cho rằng thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. Các doanh nghiệp nội có thể coi M&A như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh. Song, không nên xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ Chí