Đã không ít lần, khi bàn về chiến lược phát triển dài hạn, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình (HBC), khẳng định trong bối cảnh thị trường ngày càng bị “co hẹp”, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên mở hướng ra nước ngoài, dù đây là hướng đi nhiều thách thức và đòi hỏi sự dài hơi.
Dồn lực xuất ngoại
Trong diễn biến mới nhất, Hòa Bình thông báo phối hợp với PrimeTech Constructions triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư.
Dự án có tổng giá trị khoảng 42.425 tỷ đồng. Trong đó, HBC sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng 21.219 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một dự án quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp này cùng các thành viên trong liên minh Hoa Lư vừa “tuột” gói thầu sân bay Long Thành.
Các doanh nghiệp đang tích cực chinh phục các mục tiêu trên thị trường quốc tế, song mọi chuyện không hề dễ dàng. |
Thực tế, tham vọng ra nước ngoài của Hòa Bình Group có từ nhiều năm trước. Năm 2022, trong phiên họp thường niên vào cuối tháng 4, ông Lê Viết Hải cho biết mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đến năm 2032 của HBC lần lượt là 20 tỷ USD và 1 tỷ USD, tương đương 437.000 tỷ đồng và 21.800 tỷ đồng.
"Để đạt được các cột mốc này thì Hòa Bình không thể không ra nước ngoài", ông Hải khẳng định.
Tương tự, đối thủ lớn nhất của Hòa Bình trong cuộc đua tốp đầu ngành xây dựng những năm qua là Coteccons (CTD) cũng đang dành nhiều sự quan tâm cho việc xuất ngoại. Đầu tháng 10 vừa qua, HĐQT Coteccons đã thông qua nghị quyết thành lập mới công ty con là Coteccons Constructions Inc nhằm thực hiện các hoạt động tại thị trường ngoài nước.
Tại thị trường quốc tế, CTD dự kiến đánh vào mảng cung cấp dịch vụ xây dựng. Hình thức đầu tư là bằng tiền mặt và nguồn vốn đầu tư hoàn toàn là vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay.
Để chuẩn bị cho việc “đem chuông đi đánh xứ người”, về mặt nhân sự, vào tháng 8 vừa qua, Coteccons đã thông qua việc phân công lại nhiệm vụ mới đối với các nhân sự cấp cao, mục đích là "để công ty thích ứng với những thay đổi của thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh".
Đường xa vạn dặm
Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây thị trường ngành xây dựng, việc “xoay trục” sang các thị trường nước ngoài có thể giúp các nhà thầu cải thiện biên lợi nhuận cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước. Tuy nhiên, đây rõ ràng là thách thức rất lớn.
Như với Coteccons, tính đến hết ngày 30/6/2023, theo báo cáo tài chính công bố, CTD có 2 công ty con trực tiếp và 5 công ty con sở hữu gián tiếp, trong đó chưa có doanh nghiệp nào nằm ở nước ngoài. Vì vậy, mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế khó có thể thành công trong ngắn hạn.
Chính vì vậy, mục tiêu hàng đầu của Coteccons hiện tại vẫn là giữ vững thị trường trong nước. Tổng Giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm khẳng định, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, công ty sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao từ “đại bàng” FDI với vai trò tổng thầu. Dù vừa thất bại trong cuộc chạy đua tới gói thầu sân bay Long Thành, song CTD sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ…
Hay với Hòa Bình, đến nay, dù đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên, con đường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài của Hòa Bình Group vẫn gặp nhiều thách thức khi kinh tế thế giới lạm phát, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh vì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng Nga - Ukraine.
Đặc biệt, nội lực tài chính của Hòa Bình Group cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Quý II/2023, HBC là doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế ấn tượng bậc nhất ngành xây dựng, đạt 585 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 68 tỷ đồng, và phải nhờ tới việc bán tài sản mới có lãi.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với Hòa Bình khi trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 vừa công bố, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 711 tỷ đồng. Con số chênh “một trời một vực” so với báo cáo tự lập doanh nghiệp báo lãi 103,2 tỷ đồng cách đây chưa đầy 1 tháng.
Có thể thấy, “sức khỏe” tài chính đang là thách thức lớn nhất của Hòa Bình, Coteccons hay các nhà thầu trong nước khi vươn cần trục đến các thị trường ngoài nước, và đối đầu với những nhà thầu lớn.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng những diễn biến hiện tại khiến không ít người liên tưởng đến sự kiện Hòa Bình và Coteccons đã chấp nhận bắt tay nhau để tranh gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành nhưng cuối cùng vẫn không thể cạnh tranh được.
Thất bại trong trong cuộc đua tranh một gói thầu tầm cỡ quốc tế như sân bay Long Thành cho thấy, cả Coteccons và Hòa Bình sẽ cần phải chuẩn bị rất nhiều “lực” để có thể giành được lợi thế khi đối đầu với những đối thủ nặng ký khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Hưng Nguyên