Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3/2023, các doanh nghiệp đã phát hành 10 đợt trái phiếu riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 26.425 tỷ đồng.
“Sức khỏe” giảm sút
Bất động sản vẫn là nhóm chiếm giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong tháng với tổng giá trị 18.935 tỷ đồng (chiếm 71,7%), gấp gần 3 lần so với nhóm xếp thứ hai là các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng với 6.845 tỷ đồng (chiếm 25,9%).
Tương tự, báo cáo của FiinRatings cũng chỉ ra thị trường trái phiếu tháng 3/2023 ghi nhận sự đảo chiều trong hoạt động phát hành với tổng cộng 13 lô trái phiếu với tổng trị giá đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là sự trở lại của các doanh nghiệp địa ốc khi có tới 6 lô trái phiếu phát hành từ 5 nhà phát triển bất động sản, giá trị đạt 23.700 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2023.
Điều này đồng nghĩa giá trị phát hành riêng lẻ trong tháng 3 đã tăng gấp 3 lần so với tháng trước và tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù mức tăng theo tháng phản ánh hiệu ứng nền thấp, tốc độ tăng cùng kỳ cho thấy tín hiệu đảo chiều và gia tăng trở lại trong hoạt động phát hành.
Rủi ro từ trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản tăng trong bối cảnh "sức khỏe" doanh nghiệp đang giảm sút. |
Sự trở lại mạnh mẽ của trái phiếu bất động sản khiến nhiều người đặt dấu hỏi về “sức khỏe” của các doanh nghiệp địa ốc liệu đã được cải thiện? Theo FiinRatings, doanh thu và lợi nhuận của các công ty đã liên tục sụt giảm từ quý I/2022, khi thị trường đột ngột giảm tốc.
Trong quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Môi trường kinh doanh bất lợi cũng đang khiến cho tốc độ bán hàng tại các dự án bị chậm lại, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu “khủng”.
Nhiều doanh nghiệp nhà đất đang ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000 - 1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp nhiều lần trong năm qua cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc chỉ bằng 64,91% năm ngoái.
Số liệu của 50 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy tình hình tài chính chung có dấu hiệu giảm sút, theo FiinRatings. Chỉ số nợ vay/EBITDA đã tăng 1,53 lần, trong khi khả năng chi trả lãi vay cho thấy sự tương quan nghịch và giảm 1,78 lần so với năm 2021.
Cơ hội đi kèm rủi ro
Nếu chỉ nhìn trên những con số, trái phiếu doanh nghiệp nói chung, hay trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản nói riêng vẫn là kênh đầu tư đáng mong đợi, với lãi suất phát hành bình quân 12 - 13%/năm.
Điển hình, trong tháng 3, ngoại trừ Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas có lãi suất phát hành chỉ 6%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung, thì các công ty khác đều có mức lãi suất trên 10,6%/năm, và kỳ hạn bình quân 2,43 năm.
Đơn cử, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam phát hành trái phiếu trị giá 4.695 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm, lãi suất không thấp hơn 13%/năm…
Lợi nhuận cao rõ ràng là hấp dẫn, nhưng theo chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, bất động sản khó có thể hồi phục hoàn toàn trong ngắn hạn, nhà đầu tư trái phiếu cần thận trọng, tính toán kỹ về dòng tiền, đồng thời dự phòng rủi ro.
Bên cạnh những con số đáng ngại về “sức khỏe” doanh nghiệp như đã phân tích ở trên, các báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra những áp lực đáo hạn trái phiếu của các nhà phát hành bất động sản còn rất lớn. Nợ cũ chưa dứt lại chồng thêm nợ mới sẽ khiến rủi ro tăng lên.
Theo VBMA, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 14.267 tỷ đồng, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng cuối năm 2023, sẽ có khoảng 238.920 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trong bối cảnh đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, từng nhiều lần nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh nhưng không ổn định. Trong đó, tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản luôn chiếm ở mức rất cao.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu, theo ông Lực, các số liệu thống kê và thực tế cho thấy rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Bởi loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính, hầu hết trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đều không có tài sản bảo đảm.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao, thiếu tài sản đảm bảo.
Các nhà đầu tư mua trái phiếu cũng thường không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Vì vậy, các trái chủ cần thận trọng khi "rót tiền".
Hưng Nguyên