Chia sẻ với Vnbusiness, ông Hoàng Sơn, lãnh đạo một công ty xây dựng đang thi công 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công tại Thái Nguyên cho biết, khó khăn lớn nhất hiện tại của các nhà thầu là giá vật liệu đầu vào tăng phi mã và “sức khỏe” tài chính lung lay dữ dội.
Khó khăn bủa vây
Đơn cử, thời gian qua, các dự án của công ty của ông Sơn đang cần lượng đất san lấp rất lớn. Khi đấu thầu, giá đất đắp tại công trình là 70 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế hiện nay là 110 nghìn đồng/m3.
“Cứ 10 phút, trung bình một ô tô chở 20m3 đất vào công trình, chúng tôi lỗ 800 nghìn đồng. Chưa kể, giá thép khi đấu thầu là 14 triệu đồng/tấn, nay lên 18 triệu đồng/tấn, cát từ 220 nghìn đồng lên gần 300 nghìn đồng/m3, giá xăng có thời điểm vượt mốc 30 nghìn đồng/lít... Trong khi tiến độ thì phải theo hợp đồng không thể dừng lại, nên càng làm càng lỗ”, ông Sơn chia sẻ.
"Sức khỏe" của nhiều nhà thầu xây dựng đang bị ảnh hưởng nặng nề (Ảnh minh họa: HN). |
Nói về tình cảnh của các doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho hay các nhà thầu đang đối mặt với thách thức thực sự khó khăn trong năm 2023 và có thể sang cả năm 2024.
Xây dựng và bất động sản gắn bó mật thiết với nhau nhưng từ giữa năm 2022, bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu...), các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng.
Không chỉ “sức khỏe” tài chính bị ảnh hưởng, phải hoạt động cầm chừng, sa thải nhân viên, nhiều doanh nghiệp xây dựng thậm chí đang rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, tạm thời ngưng hoạt động.
Đơn cử, mới đây, HĐQT Công ty CP Licogi 166 (doanh nghiệp có 60% doanh thu đến từ xây lắp) vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/3/2023 đến 14/3/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đại diện Licogi 166 lý giải công ty không còn khả năng hoạt động, người lao động đã nghỉ việc nên không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Thực tế, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2019 vì không có việc, ít dự án và tài chính khó khăn.
Trước đó, một loạt nhà thầu phụ của xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng “đình công” vì chưa được trả nợ. Các công ty cho biết đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, nhưng đến nay hết tiền, công nhân đình công, nghỉ việc…
Trong nguy có cơ?
Trong văn bản phúc đáp nhóm nhà thầu phụ, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải thừa nhận dù luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính, nhưng chính sách về hạn mức tín dụng bị thắt chặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét cấn trừ nợ bằng chính các bất động sản cũng như các thiết bị xây dựng tồn kho nếu thấy phù hợp.
Thời gian qua, đứng trước những khó khăn chung, HBC đang triển khai nhiều kế hoạch để ứng phó, song ông Lê Viết Hải cũng từng thừa nhận ngành xây dựng Việt Nam đang yếu hơn trước, dẫn đến áp lực cạnh tranh và phát triển ngày càng tăng.
“Chuyện đổ vỡ như hiện nay cũng đến từ những yếu tố khách quan. Đơn cử, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư xây rất nhiều nhưng không khai thác được. Thời gian tới, nếu thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, một số nhà thầu có thể đứng trước nguy cơ phá sản”, vị đại diện HBC nói.
Khó khăn trong lĩnh vực chính khiến nhiều đơn vị phải sống bằng các hoạt động tài chính. Điển hình như Tổng công ty Sông Đà (SJG), dù doanh thu thuần năm 2022 giảm 9%, nhưng với nguồn thu từ thương vụ bán gần 42 triệu cổ phiếu SJS (Sudico) với lãi ước tính hơn 3.400 tỷ đồng, giúp công ty đạt lãi ròng hơn 1.389 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2021.
Hay CIENCO4 (C4G), năm 2022 nhờ chuyển nhượng dự án Khu đô thị Long Sơn 1 mang lại lãi gộp hơn 22 tỷ đồng. Đồng thời, công ty lấy số tiền chưa dùng hết từ phát hành cổ phiếu để gửi ngân hàng thu lãi, giảm nợ vay. Qua đó, lợi nhuận cả năm đạt hơn 168 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2021.
Rõ ràng, khó khăn đang bủa vây các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những điểm sáng. Newtecons có 5 năm tăng trưởng liên tiếp với doanh thu năm 2022 vượt 11.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021, đặt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2023.
Ông Nguyễn Bá Dương, lãnh đạo hệ sinh thái Newtecons và SOL E&C, nhấn mạnh "năm 2023 vẫn sẽ là một năm tràn đầy hy vọng, khởi sắc".
Trong khi đó, Hòa Bình dù đối diện với nhiều khó khăn vẫn có nhiều động thái mới nhằm "giải nguy" cho mảng dân dụng. Trung tuần tháng 2 vừa qua, ông lớn này cũng thông qua việc hợp tác với công ty Keystone để xây dựng 5 dự án tại Mỹ, khẳng định tham vọng tiến ra nước ngoài.
Mặt khác, Hòa Bình cũng tỏ rõ mục tiêu lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con vừa trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa.
Mảng hạ tầng cũng từng được Coteccons nhắc đến nhiều lần trước cổ đông nhưng chưa có động thái cụ thể. Với định hướng thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, mảng này dự kiến sẽ là cơ hội lớn cho cả Coteccons, Hòa Bình, cũng như các nhà thầu có năng lực khác.
Có thể thấy, hy vọng lớn nhất của nhà thầu xây dựng trong năm 2023 là sự phục hồi của bất động sản, cùng với đó là sự tăng tốc giải ngân đầu tư công. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án, đẩy nhanh doanh thu và lợi nhuận.
Nguồn vốn FDI chảy mạnh cũng có thể trở thành “đòn gánh” cho các doanh nghiệp xây dựng, tuy nhiên, theo chuyên gia, đây chỉ là lối thoát hiểm dành cho các nhà thầu lớn. Đơn cử như Coteccons với dự án tỷ USD của LEGO tại Bình Dương.
Hưng Nguyên