Đến nay, nhóm 3 doanh nghiệp xây dựng niêm yết là Coteccons (CTD), Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Vinaconex (VCG) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Trong đó, Hòa Bình lãi lớn nhất với 585 tỷ đồng, tăng 750% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều “gam màu sáng”
Vinaconex báo lãi tăng nhẹ, giữ vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong quý II. Tuy nhiên, tính chung kết quả 6 tháng đầu năm thì Vinaconex là doanh nghiệp lãi lớn nhất, với điểm tựa vững đến từ các công trình phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp và đầu tư công.
Một số dự án trọng điểm mà Vinaconex đang đảm nhiệm thi công là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, dự án cải tạo nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu quốc tế, quốc nội sân bay Cam Ranh, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài…
Trong khi đó, Coteccons cũng báo lãi trở lại sau thời gian dài “cài số lùi”, với 39 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao nhất từ quý III/2021 đến nay. 6 tháng đầu năm 2023, Coteccons đạt 69 tỷ đồng, tăng 525% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn vẫn còn, nhưng những gam màu sáng đã xuất hiện nhiều hơn với các nhà thầu (Ảnh minh họa: HN). |
Ricons - nguyên đơn vừa kiện Coteccons ra tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản do không trả nợ cũng có kết quả kinh doanh quý II tích cực. Dù doanh thu thuần giảm 24%, tuy nhiên hoạt động tài chính của Ricons lại “toả sáng”. Trong đó, doanh thu tài chính đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia.
Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so với cùng kỳ. Kết quả, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so với quý II/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt lợi nhuận ròng hơn 68 tỷ đồng, tăng 41% và cũng vượt chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm.
Một "tên tuổi" ngành xây dựng khác là Hưng Thịnh Incons (HTN) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.998 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của Hưng Thịnh Incons trong quý II/2023 đạt hơn 48,9 tỷ đồng, ghi nhận hoạt động của doanh nghiệp có lãi trở lại (so với 2 quý liền trước).
Còn không ít thách thức
Bức tranh tài chính với nhiều gam màu sáng, nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp xây dựng vẫn phải đối diện với hàng loạt thách thức. Điển hình như Hòa Bình, chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp này đang rất thấp, bởi không đến từ hoạt động kinh doanh mà là từ việc bán tài sản.
Cụ thể, quý II/2023, lợi nhuận gộp của Hòa Bình đạt 423 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, việc phải gánh khoản chi phí quản lý lên tới 435 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng. Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác lên tới 653 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý tài sản cố định, vật tư (khoảng 656 tỷ đồng), Hòa Bình mới có lãi.
Trong khi đó, tại Coteccons, trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 233 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty mới thực hiện được 41,5% kế hoạch doanh thu và 22,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Rõ ràng, khó khăn vẫn đang bủa vây ngành xây dựng, buộc các nhà thầu phải liên tục “xoay trục” để thích ứng, chuẩn bị cho giai đoạn mới. Một trong những điểm tựa lớn nhất của các doanh nghiệp hiện tại là các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm.
Tổng Giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm từng khẳng định, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao từ doanh nghiệp FDI với vai trò tổng thầu. Đồng thời, tập trung cho các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.
Hay với Vinaconex, như đã phân tích ở trên, công ty đang dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023 nhờ các công trình hạ tầng lớn. Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị các hợp đồng đã ký (backlog) của Vinaconex tại cao tốc Bắc - Nam 2 giai đoạn lên tới 6.419 tỷ đồng, tương đương gần 2 lần doanh thu bình quân mảng xây lắp của công ty trong 2 năm gần nhất.
Chiến lược “xoay trục” để thích ứng cũng được Đèo Cả Group áp dụng, khi bên cạnh hàng chục nghìn tỷ rót vào thi công, xây lắp các dự án đầu tư công, “ông lớn” này còn muốn lấn sân sang cả các dự án sân bay, đường sắt. Với những dự án lớn tập trung vào mảng đầu tư công, hạ tầng giao thông, Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.
Có thể thấy, trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức vẫn đang chờ đợi các nhà thầu, buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp hay thậm chí tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công…
Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, khẳng định bên cạnh những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hưng Nguyên