Chia sẻ với Vnbusiness, ông Phú, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại quận 6 (TP.HCM), cho biết hầu hết các sản phẩm phân phối trong thời gian qua đều là dự án cũ, mở bán giai đoạn tiếp theo hoặc hàng tồn kho, các sản phẩm mới là rất hiếm.
Doanh nghiệp "khóa" giỏ hàng
Các doanh nghiệp chịu tung hàng mới thời điểm này, theo ông Phú, dù ít trường hợp giảm giá nhưng phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để chi vào các khoản khuyến mại, ưu đãi, chiết khấu “khủng” lên tới 20-30%, thậm chí là 40% cho khách hàng có sẵn tiền mặt.
“Trong bối cảnh lượng hàng tồn lớn, các gói chiết khấu cao thường được các chủ đầu tư tung ra trong thời gian ngắn và số lượng có giới hạn. Nhờ hình thức giảm giá gián tiếp này, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xả được số lượng không nhỏ “hàng tồn giá cao”, ông Phú chia sẻ.
![]() |
Doanh nghiệp khó bán, khách hàng ngại mua khiến thị trường nhà ở tiếp tục trầm lắng. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 vừa diễn ra, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra thị trường đã bớt khó khăn, nhiều chủ đầu tư không còn tâm lý chờ giải cứu mà từng bước tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Tuy nhiên, dưới áp lực thanh khoản, nhiều chủ đầu tư có nhà nhưng chưa sẵn sàng bán, thậm chí có doanh nghiệp đang "ôm hàng" cho thấy biểu hiện bất thường của thị trường. Giá nhà đang phần nào bị các chủ dự án chi phối.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, trong quý I/2023, nguồn cung bất động sản tiếp tục giảm sâu. Cả nước có 14 dự án hoàn thành xây dựng, với 5.909 căn nhà, giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm 2022.
Phân khúc căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý không nhiều, vẫn chủ yếu đến từ phân khúc trung, cao cấp.
Báo cáo vừa công bố của Cushman & Wakefield cũng chỉ ra những thông tin tương tự khi các doanh nghiệp “ngại” tung hàng mới trong bối cảnh thị trường gặp khó. Người mua ở thực và có tiền mặt vẫn là khách hàng được ưu tiên.
Cụ thể, theo Cushman & Wakefield, trong suốt quý đầu năm 2023, thị trường bất động sản Hà Nội không có nguồn cung mới nào gia nhập. Hầu hết dự án liền thổ ở Hà Nội đều khóa bảng hàng để chờ đợi một thời điểm khởi sắc hơn.
Ngay cả trên thị trường thứ cấp (mua qua bán lại), ở phân khúc nhà liền thổ cũng chỉ có 301 căn được chào bán, giảm 10% theo quý và 75% theo năm. Đây đều là các sản phẩm còn sót lại từ những dự án mở bán trước đó.
Nguồn cung khó cải thiện
“Đà giảm cho thấy cả chủ đầu tư và người mua đều e ngại trong việc giao dịch. Điều này xuất phát từ các tác động tiêu cực của việc thắt chặt tín dụng, pháp lý và trái phiếu”, các chuyên gia của Cushman & Wakefield nhận định.
Thời gian qua, nhiều người vẫn hy vọng giá nhà tại các thành phố lớn sẽ giảm khi thị trường gặp khó, tuy nhiên những diễn biến từ thực tế cho thấy điều này là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, bởi nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi chủ đầu tư dè dặt mở bán hàng mới.
Trước đó, báo cáo của DKRA Việt Nam chỉ ra trong năm 2023, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam dự kiến giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Bình Dương.
Trong khi Savills Việt Nam dự báo nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đạt khoảng 8.000 căn, giảm 60% so với năm 2022. Phân khúc bình dân ở trung tâm khan hiếm càng thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các khu vực vùng ven.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam, cho hay sở dĩ các kết quả thăm dò đều cho đáp số chung về nguồn cung giảm là bởi các chủ đầu tư đang rất dè dặt trong việc tung hàng mới. Nhiều dự án dời lịch bán hàng sang năm 2023 nhưng đến nay vẫn “chờ”.
Điển hình như Nam Long từng phải lùi kế hoạch bán sản phẩm giai đoạn 2 của các dự án Izumi City và Paragon Đại Phước tại Đồng Nai. An Gia dời lịch mở bán tại dự án The Gio Riverside tại khu vực TP. Dĩ An (Bình Dương). Đất Xanh cũng lùi kế hoạch triển khai một số dự án sang giữa hoặc cuối năm 2023…
Không chỉ giá nhà khó giảm, việc chủ đầu tư dè dặt tung hàng mới, nguồn cung lao dốc dự báo sẽ khiến mặt bằng giá chung cư/căn hộ, nhà liền thổ được dự báo tiếp tục tăng, vượt quá tầm với của đa số người dân.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định các nhà phát triển bất động sản lớn có xu hướng cơ cấu lại sản phẩm để thích nghi với giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để có nhà giá vừa túi tiền, cần ít nhất 2 - 3 năm nữa.
Còn hiện tại, người mua nhà ở thực vẫn chỉ có thể dựa vào các chính sách ưu đãi, chiết khấu cao khi thanh toán sớm. Từ nay đến cuối năm 2023, các chính sách khuyến mãi nhiều khả năng sẽ tiếp tục được doanh nghiệp áp dụng để “nịnh” khách có tiền mặt, qua đó tác động đến mặt bằng bán sơ cấp (mở bán lần đầu).
Có thể thấy, những biến số về tín dụng, lãi vay, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những vướng mắc về pháp lý đang khiến cả người mua nhà và doanh nghiệp đang trong trạng thái “chờ”. Điều này có thể khiến đà giảm tốc của thị trường nhà ở có thể kéo dài hơn so với dự kiến.
Thời gian tới, để giải cơn khát nhà ở cho đa số người dân, theo chuyên gia, cần sự quyết liệt hơn từ Chính phủ trong việc “cởi trói” cho doanh nghiệp làm nhà giá rẻ. Nếu được "cởi trói" các vấn đề được coi là cốt lõi như vốn, quỹ đất, thủ tục…, các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, qua đó tăng nguồn cung.
Hưng Nguyên