Trong một bài viết trước phân tích về “sức khỏe” doanh nghiệp bất động sản, VnBusiness dẫn lời ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, ví von thị trường hiện như trong một cơn bão, trong đó các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng chịu nhiều áp lực.
3 “đường” đều nghẽn
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà đất hiện tại, theo ông Tuyển, là dòng tiền mặt. Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải tìm đủ cách xoay xở.
Kết quả thăm dò của VARS với 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng cho thấy 70% đơn vị được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự tác động tích cực.
Ngay cả với 30% doanh nghiệp còn lại dù đánh giá các chính sách gỡ vướng về nguồn vốn có tác động tích cực, nhưng chủ yếu là các vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, còn việc tiếp cận nguồn vốn từ nhà băng vẫn là một thách thức.
Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền. |
Không chỉ dòng vốn từ ngân hàng không thông, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc dù sự u ám đã giảm bớt phần nào. Minh chứng là trong nửa đầu năm 2023, thanh khoản thị trường vẫn vô cùng èo uột, dù các doanh nghiệp đã tìm đủ cách kích cầu.
Ngay cả với phân khúc nhà ở khả quan nhất cũng chỉ ghi nhận lượng tiêu thụ quý II đạt khoảng 3.704 giao dịch, chiếm 18% tổng cung mở bán mới. Con số tăng hơn 30% so với quý I, nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng được đánh giá là vô cùng nặng nề trong thời gian qua và phần còn lại của năm 2023. Minh chứng là danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang nối dài thêm qua từng ngày.
Tính đến cuối tháng 8/2023, có gần 70 doanh nghiệp địa ốc nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi tháng 9 được coi là “cao điểm" với giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, vào khoảng 41.000 tỷ đồng.
Có thể thấy cả 3 kênh huy động tiền chủ lực của doanh nghiệp địa ốc là từ khách hàng, phát hành trái phiếu và tín dụng ngân hàng đều đang gặp khó. Đây có lẽ là lý do, VARS cảnh báo nếu tình hình tiếp tục không được cải thiện, ¼ doanh nghiệp chỉ “sống” được đến hết quý III/2023.
Xoay xở tìm lối thoát hiểm
Cần phải nói thêm, sau nhiều nỗ lực tháo gỡ từ Chính phủ, các bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước, bức tranh thị trường bất động sản đang dần xuất hiện nhiều mảng màu sáng. Nhiều chuyên gia đánh giá thị trường nhà đất đang bắt đầu giai đoạn đi lên của chu kỳ mới.
Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường có hay không, nhanh hay chậm, thì vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, khó khăn vẫn đang bủa vây, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải vật vã tìm lối thoát hiểm, thậm chí “chịu đau” bằng cách bán tài sản hoặc cắt giảm nhân sự để tồn tại.
Trước tình cảnh cạn tiền, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã buộc phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Kết quả thăm dò từ 20 doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất tại ngày 31/12/2022 cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022.
Điển hình là trường hợp của Đất Xanh Group (DXG), theo báo cáo tài chính bán niên 2023, tính đến ngày 30/6, tập đoàn này có 2.390 nhân viên, giảm tới 5.002 người, tương đương gần 68% so với cùng thời điểm năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp môi giới này cũng chỉ đạt 1.092 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn còn 40 tỷ đồng, giảm tới 94% so với mức hơn 670 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.
Theo sau Đất Xanh trong cuộc đua sa thải nhân viên là Novaland cắt giảm 117 người so với đầu năm 2023, nay còn 1.287 người. Với Vinhomes, dù không cắt giảm nhân sự trong năm 2022, nhưng đến cuối quý II/2023 cũng đã giảm 1.262 nhân sự so với đầu năm, chỉ còn 11.929 người.
Cùng với cắt giảm nhân sự, không ít doanh nghiệp bất động sản cũng phải “cắn răng” bán tài sản để có dòng tiền xoay xở. Ngay cả các “ông lớn” như Novaland, Phát Đạt, Khang Điền... cũng buộc phải bán tài sản hoặc tái cơ cấu cổ đông để có vốn xoay xở, tránh khủng hoảng kéo dài.
Mới nhất là trường hợp của Hải Phát Invest (HPX), hồi cuối tháng 8, quyết định bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, giá trị hơn 176 tỷ đồng.
Như VnBusiness đã thông tin, Hải Phát công bố thông tin chuyển nhượng vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang trong bối cảnh công ty này đang gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, HPX vẫn chưa thể công bố báo tài chính kiểm toán 2022 và 2 quý đầu năm 2033.
Hải Phát cũng từng giải trình với HoSE rằng công ty đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, vì không tiếp cận được vốn tín dụng, phát hành trái phiếu tắc, thị trường suy thoái... Hồi giữa tháng 4, gia đình Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải cũng bị phạt gần 2 tỷ đồng vì "bán chui" cổ phiếu HPX.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Quốc Cường Gia Lai (QCG), Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ với nhà đầu tư về việc công ty sẽ phải tính toán dòng tiền nghìn tỷ để trả nợ đối tác trong năm nay. Để xử lý khoản nợ này, công ty dự kiến sẽ bán dự án thủy điện ở Gia Lai.
“May còn có thủy điện để bán, chứ vốn chôn hết vào bất động sản thì giờ làm sao có tiền trả nợ”, bà Loan bày tỏ, đồng thời thừa nhận lý do tính toán bán dự án thủy điện vì không bị mất giá, còn bán bất động sản thì sẽ mất rất nhiều.
Không thể phủ nhận những nỗ lực “điên cuồng” của doanh nghiệp trong 8 tháng năm 2023 đã phần nào giúp họ vượt qua được cơn bĩ cực. Những tín hiệu tích cực từ thị trường sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp địa ốc vực dậy sau "bão".
Tuy nhiên, những diễn biến từ thực tế chứng minh các đơn vị trong ngành vẫn đang tiếp tục “ngấm đòn” khủng hoảng. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chính sách gỡ vướng cần triển khai nhanh mạnh hơn để tránh làm đứt đà hồi phục, trong bối cảnh thị trường vẫn rất yếu.
Hưng Nguyên