Khảo sát của VnBusiness cho thấy, kể từ đầu tháng 7, hàng loạt chủ đầu bất động sản lớn đang rục rịch chuẩn bị tung ra các sản phẩm mới, với những chiến lược bán hàng hấp dẫn để đón mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là kỳ vọng vào dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đáo hạn.
Bật chế độ “bung hàng”
Tại TP.HCM, Vingroup, Nam Long, Hưng Thịnh, Masterise Home, Novaland, Phú Long… đang đồng loạt khởi động lại các dự án quy mô lớn. Một trong số đó là dự án khu căn hộ Glory Heights “gây bão” thị trường với hơn 2.000 lượt booking (đặt trước) sau chưa đầy một tuần mở bán.
Tương tự, Hưng Thịnh chào thị trường với dự án Avata Thủ Đức, Nam Long tiếp tục tung giai đoạn tiếp theo dự án Akari City, Mizuki Park với tiến độ bán hàng khá tốt. Masterise Home với dự án Masteri Centre Point tại quận 9.
Điều đáng nói, tất cả các dự án khởi động trở lại đều kèm chính sách bán hàng khá tốt ở giai đoạn này. Đơn cử, một dự án của Nam Long tại Bình Chánh chính thức vào giỏ hàng mới với chính sách thanh toán dàn trải 40% chia thành 7 đợt, cùng mức hỗ trợ lãi suất cao.
Các doanh nghiệp địa ốc lớn đang rục rịch "bung hàng" để đón mùa cao điểm cuối năm. |
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam dự báo trong nửa cuối năm 2023 tại TP.HCM sẽ có 8.450 căn hộ sẽ được tung ra thị trường. Rổ hàng phân bổ căn hộ hạng B (trung cấp) chiếm 54%, hạng C (bình dân) chiếm 39% và hạng A (cao cấp) sẽ chiếm 7% thị phần.
Các dự án đáng chú ý bao gồm Vinhomes Grand Park – The Glory Heights, Thủ Thiêm Zeit – Block T2 và La Partenza đang nhận đặt chỗ và dự kiến ra mắt trong quý III. Riêng với dòng sản phẩm biệt thự, nhà liền kề, dự kiến 500 căn được mở bán từ nay đến cuối năm.
Ở miền Trung, một số dự án của Hưng Thịnh, Sun Group cũng tái khởi động trở lại tại Đà Nẵng, Bình Định... Nổi bật, cuối tháng 6/2023, Hưng Thịnh bắt đầu mở bán phân khu mới của dự án Merry Land Quy Nhơn với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn, hay Sun Cosmo Residences Đà Nẵng cũng chính thức ra mắt căn hộ với giá từ 60-85 triệu đồng/m2…
Trong khi đó, tại Hà Nội, nhiều chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh ra hàng như Hưng Thịnh mở bán tòa tháp thứ ba tại Residences Linh Đàm (Hoàng Mai), Taseco Land mở bán dự án ở Bắc Từ Liêm với giá lên tới 3.000 - 4.000 USD/m2, còn KITA Group đang lên kế hoạch “bung hàng” tại dự án mới ở Ciputra...
Khó “tan băng” trong ngắn hạn
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản đánh giá việc các chủ đầu tư đang tăng tốc trở lại là tín hiệu đáng mừng. Bởi, chỉ khi nguồn cung tăng, thêm lựa chọn cho khách hàng, thị trường nhà đất mới có cơ hội ấm trở lại sau thời gian đóng băng.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Đức, CEO một doanh nghiệp môi giới có trụ sở chính tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, việc các chủ đầu tư lớn rục rịch bung hàng là để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và kỳ vọng đón được dòng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn ngân hàng.
Điểm tựa để các chủ đầu tư tự tin trở lại thị trường, theo ông Đức, là những chuyển biến trong quá trình gỡ vướng pháp lý, giảm lãi suất điều hành, lãi cho vay, hay đầu tư công… Nhiều doanh nghiệp đã chủ động giảm giá gián tiếp thông qua khuyến mãi, để tạo dòng tiền và thực tế là tỷ lệ hấp thụ sản phẩm đã tốt hơn rất nhiều so với cuối năm 2022, đầu năm 2023.
“Sau giai đoạn dài nằm im đợi thời cơ, động thái chuyển từ thế phòng thủ sang mạnh dạn tung hàng mới kể từ đầu tháng 7 vừa qua là những bước khởi động của các doanh nghiệp nhằm thăm dò sức cầu thị trường, trước khi bước vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm, đại diện các doanh nghiệp địa ốc cũng nhận định nửa cuối năm 2023 là thời điểm thích hợp để tung ra các sản phẩm mới, bởi không ít khách hàng đang sẵn sàng nguồn tiền khi các khoản gửi ngân hàng từ năm 2022 đáo hạn, lãi suất cũng không còn hấp dẫn.
Có thể thấy, việc các dự án đua nhau mở bán có thể xem là điểm sáng tích cực đối với thị trường địa ốc, đồng thời cho thấy xu hướng "thoát đáy" đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Những dấu hiện trên cũng có thể là tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng đà phục hồi mạnh lên từ quý III/2023.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc các doanh nghiệp nhập cuộc để tăng nguồn cung chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải nhanh chóng tháo gỡ gánh nặng tâm lý của khách hàng. Và để làm được thì trước mắt cần tiếp tục gỡ vướng điều kiện và giảm lãi suất cho vay mua nhà.
Số liệu vừa công bố của VARS cho thấy, lãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng trong tháng 7 dao động ở mức 10,5 - 15,5%/năm. Đây vẫn là mức lãi suất quá cao khiến nhiều người mua nhà ở thực “chùn tay” trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế đang biến động mạnh.
“Từ quý IV/2023 trở đi, nếu các yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện dày hơn, lãi suất cho vay giảm về khoảng 8-9%, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo, thị trường bất động sản có thể tan băng, tuy nhiên đây không phải là chuyện một sớm một chiều”, chuyên gia kinh tế Trần Khánh Quang nhấn mạnh.
Hưng Nguyên