PropertyGuru – proptech đang sở hữu Batdongsan.com.vn, dự báo khó khăn tại thị trường nhà đất tại Việt Nam có thể sẽ còn kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023 hoặc sang đầu năm 2024. Trong những tháng đầu năm 2023, doanh thu của ông lớn đến từ Singapore sụt giảm mạnh.
Từ lỗ đậm đến phá sản
Cụ thể, tại Việt Nam, doanh thu quý I/2023 của PropertyGuru chỉ thu về khoảng 2,4 triệu USD, giảm mạnh hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2022 (đạt trên 3,7 triệu USD). Các con số trên Batdongsan.com.vn cho thấy, số lượng nhà đất niêm yết đã giảm 32% so với cùng kỳ, xuống còn 1,1 triệu lượt.
PropertyGuru đang hoạt động tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và có đầu tư chiến lược vào Batdongsan.com.vn tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đang có 52 triệu khách hàng và sở hữu hơn 3,3 triệu danh mục nhà đất.
Để thấy rõ hơn những khó khăn của thị trường bất động sản tại Việt Nam, có thể nhìn vào doanh thu của chính PropertyGuru tại các thị trường khác trong khu vực ASEAN. Đơn tử, tại Singapore, doanh thu quý I/2023 của PropertyGuru tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2022 lên 18,8 triệu SGD (13,9 triệu USD).
Tại Malaysia, doanh thu của công ty này cũng tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 6,8 triệu SGD (5 triệu USD). Cùng một mô hình kinh doanh, nhưng ở các thị trường lân cận doanh thu tăng, trong khi ở Việt Nam lại giảm cho thấy sức ép đang lớn đến thế nào.
Các công ty công nghệ bất động sản cũng gặp nhiều sức ép khi nhảy vào thị trường Việt Nam. |
Khó khăn của PropertyGuru khiến nhiều người nhớ lại tình cảnh bi thảm của một proptech khác tại Việt Nam là Propzy, một startup bất động sản từng gọi vốn thành công 30 triệu USD, quy mô nhân sự hơn 800 người. “Kỳ lân” lĩnh vực nhà đất này tuyên bố rút khỏi Việt Nam vào cuối quý III/2022.
Trong “tâm thư” gửi tới nhân viên, ông John Le, CEO Propzy, thừa nhận việc không gọi được vốn giữa môi trường toàn cầu có xu hướng bất định, tín dụng trong nước bị siết chặt, thị trường rơi vào ảm đạm là "lưỡi dao kết liễu" cuối cùng đối với công ty.
Được thành lập từ năm 2016, năm 2019 là năm đỉnh cao của Propzy với doanh thu hơn 60 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng thần tốc giúp công ty này gọi vốn thành công 25 triệu USD từ Gaw Capital Partners và SoftBank Ventures Asia, đồng thời nâng tổng số nhân viên lên 800 người.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến khiến 22 trung tâm giao dịch của Propzy tê liệt, doanh thu giảm 90% năm 2020. Năm 2021, công ty sa thải 50% nhân sự vì kinh doanh bết bát, vốn chủ sở hữu ghi nhận âm hơn 420 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực bất thành, công ty này chính thức công bố đóng cửa
Vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn
Khó khăn rõ ràng đang bủa vây các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nói chung và các proptech nói riêng. Ông Hari V Krishnan, CEO của PropertyGuru, nhấn mạnh: “Thị trường Việt Nam vẫn là thách thức chính trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng những áp lực này sẽ chỉ bắt đầu giảm bớt vào cuối năm 2023 hoặc thậm chí kéo dài sang năm 2024".
Dù thừa nhận những khó khăn, tuy nhiên, bộ phận nghiên cứu tài chính của PropertyGuru vẫn đánh giá thị trường bất động sản tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội M&A, chiến lược để doanh nghiệp này cũng như các đơn vị trong ngành triển khai nguồn vốn sẵn có.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra lĩnh vực nhà đất tại Việt Nam còn dư địa khổng lồ cho các doanh nghiệp công nghệ nhảy vào. Đơn cử, theo VnREA, quy mô thị trường bất động sản trong nước sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030.
Thực tế cũng cho thấy những năm gần đây, các giải pháp, mô hình công nghệ liên quan đến bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Nhiều công ty công nghệ liên tục mở rộng thị phần cho thấy, cuộc đua công nghệ bất động sản đang được đẩy mạnh.
Điển hình như thương vụ Houze Group công bố nhận đầu tư thêm 2 triệu USD dưới sự dẫn dắt của DKRA, giúp công ty công nghệ này có nguồn lực để tiếp tục mở rộng dịch vụ và phát triển công nghệ.
Đại diện Houze Group cho biết, công ty đang trong quá trình đàm phán với các quỹ đầu tư mạo hiểm để bổ sung nguồn vốn cho chiến lược ra mắt các sản phẩm như Houze Portal, Houze Super App...
Trước đó, cũng có thể kể đến các thương vụ đình đám như VIISA đầu tư vòng hạt giống vào nền tảng môi giới MGi Proptech, RETI nhận đầu tư từ CyberAgent Capital. Hay thương vụ 30 triệu USD của Homebase và 10,2 triệu USD của Rever…
Một trong những cái tên quen thuộc khác là Chợ Tốt Nhà cũng đang cho thấy những tham vọng lớn hơn vào công nghệ bất động sản, phát triển hệ thống môi giới. Hiện đơn vị này đã triển khai dịch vụ đăng tin trực tuyến (marketplace), dịch vụ tài chính cho bất động sản (fintech) và môi giới (brokerage).
Hàng loạt proptech nhảy vào, với dòng vốn triệu USD, cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang là “thỏi nam châm” có sức hút mạnh. Tuy nhiên, nhiều bên tham gia đồng nghĩa sức cạnh tranh cũng sẽ tăng lên, đòi hỏi các đơn vị cần nền tảng và chiến lược tốt hơn nếu không muốn phải rời cuộc chơi sớm. “Cái chết” của Propzy và những khó khăn hiện tại của PropertyGuru là ví dụ nhãn tiền.
Ông Phạm Lâm, sáng lập Houze Group cho biết, bất động sản Việt Nam là bức tranh có thị trường sơ cấp đang phát triển và thứ cấp tạm thời bị lãng quên vì không thể chạm đến chỉ bằng việc kết nối bằng công nghệ. Các proptech tham gia cần một cái nhìn tổng thể để phát triển theo nhu cầu của thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, với một thị trường mà chuyển đổi số đang ở thời kỳ “sơ khai” như bất động sản thì vốn đầu tư và công nghệ thôi chưa đủ. Các proptech cần tham gia sâu hơn vào quá trình giao dịch cũng như cung cấp giải pháp hiệu quả cho cộng đồng dịch vụ, môi giới...
Hưng Nguyên