Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, trong đó chỉ ra thực trạng số doanh nghiệp bất động sản liên tục dẫn đầu danh sách rút khỏi thị trường trong 2 năm qua.
Khó khăn vẫn bủa vây
Cụ thể, trong năm 2022, cả nước có 143.198 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 42,4%. Bước sang năm 2023, tình trạng còn tồi tệ hơn khi chỉ sau 5 tháng, số doanh nghiệp nhà đất rút khỏi thị trường tăng 47,1%.
“Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất. Số doanh nghiệp rút lui tăng nhanh hơn số gia nhập, tái gia nhập”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Trước đó, cũng chính “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư chỉ ra thực trạng “nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản”. Không nhắc cụ thể đến lĩnh vực nào, tuy nhiên thực tế này khiến nhiều người liên tưởng đến tình cảnh bi đát của các doanh nghiệp địa ốc thời gian qua.
Khó khăn vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản, dự kiến kéo dài sang năm 2024. |
Chia sẻ với Vnbusiness, đại diện một doanh nghiệp tầm trung ở TP.HCM, cho hay đơn vị đang phát triển 6 dự án có quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh phía Nam. Bình quân mỗi dự án đã “ngốn” 35 - 50 tỷ đồng, và "đứng hình" trong khoảng hơn 1 năm qua, tức hàng trăm tỷ đang “mắc kẹt”.
“Do tín dụng bị thắt chặt, lãi suất neo cao, chúng tôi đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Để cơ cấu lại nợ, 6 tháng qua, công ty đã gõ cửa nhiều nơi để bán bớt dự án, nhưng đến nay vẫn tắc. Phần vì bị trả giá quá rẻ, phần vì bên mua đưa điều kiện quá khó”, vị đại diện doanh nghiệp nói.
Hơn 1 năm qua, chuyện doanh nghiệp nhà đất bán bớt tài sản để xoay tiền không còn là chuyện hiếm. Đơn cử, vào cuối quý I/2023, Egroup của 'shark' Thủy thông báo "cấn nợ" 75 lô đất ở Thanh Hóa, mỗi lô có diện tích từ 100 - 194m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Hay trường hợp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường phải rao bán khách sạn dát vàng giá 250 triệu USD.
Không chỉ phải bán dự án, tài sản để trả nợ, thời gian qua, không ít doanh nghiệp địa ốc còn tìm đường vay nóng, thậm chí vay “tín dụng đen” để có tiền xoay sở trong ngắn hạn.
Kết quả một cuộc thăm dò tại hơn 30 công ty có dự án bất động sản tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM, cho thấy, nhiều đơn vị đang phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất 18 - 25%, kỳ hạn 6 - 9 tháng, vì không thể tiếp cận với các khoản vay ngân hàng.
Cách nào “chữa thương”?
Đáng chú ý, khi những khó khăn cũ (dòng tiền, trái phiếu, pháp lý…) chưa được tháo gỡ, thì dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng được kỳ vọng trở thành “đòn gánh” của thị trường bất động sản nay cũng đang có dấu hiệu sụt giảm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.5, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng dòng vốn tham gia vào bất động sản sụt giảm mạnh.
Cần phải nhắc lại, trong suốt thời gian qua, bất động sản Việt Nam luôn nằm trong tốp 1, tốp 2 các lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành bất động sản tụt xuống vị trí thứ 3 khi chỉ thu hút được 1,16 tỷ USD, giảm đến 61,3% so con số gần 3 tỷ USD cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long, nhìn nhận năm 2023 là năm khó khăn bủa vây với thị trường bất động sản. Khó khăn có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2024 và gây ra những hậu quả nặng nề hơn cuộc khủng hoảng 10 năm trước.
Có thể thấy, khó khăn vẫn đang bủa vây thị trường địa ốc, bất chấp các chính sách vĩ mô, giải pháp gỡ khó của Chính phủ được ban hành. Trong bối cảnh đó, mới đây, Thủ tướng tiếp tục ra công điện tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, tại Công điện 469/CĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; hướng dẫn địa phương giải quyết khó khăn về quỹ đất xây nhà ở xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo các nhà băng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Cùng với các chính sách vĩ mô, các đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều giải pháp như nhanh chóng gỡ vướng về pháp lý, giảm chi phí vay, hạn chế các thủ tục thanh kiểm tra, loại bỏ tình trạng “đá bóng trách nhiệm”, cán bộ "sợ" ký…
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam, nêu một thực tế tại TP.HCM đang có hàng trăm dự án vào diện tháo gỡ khó khăn, nhưng hầu hết chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, nếu chưa thể khơi thông dòng vốn, cần nhanh chóng gỡ khó về pháp lý cho doanh nghiệp.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định chỉ cần cắt giảm, rút ngắn thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí. Bên cạnh đó, cả doanh nghiệp và người dân đều mong muốn tiếp cận được vốn vay với thủ tục đơn giản và lãi suất thấp hơn. Thủ tục pháp lý và dòng tiền là điểm nghẽn lớn nhất cần được khơi thông để “chữa thương” cho lĩnh vực bất động sản.
Hưng Nguyên