Năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Thị trường nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020...
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam |
Mặc dù thị trường BĐS gặp phải nhiều khó khăn như đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân giảm sút..., nhưng ở mặt nào đó, một số phân khúc BĐS vẫn phát triển tốt. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là đối với phân khúc nhà ở, các chủ đầu tư vẫn ra mắt các dự án nhà ở tương đối đều đặn. Điều này có thể giải thích khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo theo bất ổn xã hội tác động lên tất cả các mặt của đời sống, thì ngay lập tức nhà đầu tư sẽ đưa dòng tiền của mình sang kênh trú ẩn an toàn, trong đó có BĐS.
Với phân khúc BĐS công nghiệp, nguồn lực chính vẫn là các nhà đầu tư trong nước, còn các nhà đầu tư nước ngoài giống như một điểm kích ở trung tâm thị trường.
Đối với các tài sản đang tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cũng không cần phải bán đi, vì các nhà đầu tư tính toán được những thách thức hiện tại trên thị trường chỉ trong vòng 1-2 năm. Ở loại hình này, đây là những BĐS có nguồn thu đều. Mặc dù biên độ lợi nhuận chỉ ở mức 6-7%/năm, nhưng khi nắm giữ một thời gian dài để chuyển nhượng thì lợi nhuận thu được sẽ rất lớn. Đó là lý do tại sao Việt Nam vẫn là thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông nghĩ sao khi nhiều chuyên gia dự báo thị trường BĐS năm 2021 sẽ bùng nổ ở một số phân khúc?
- Năm 2021, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Trên thị trường BĐS nói chung, phân khúc nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020.
Trong khi đó, thị trường BĐS văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.
BĐS công nghiệp cũng là một "điểm nóng" của thị trường. Nhưng các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện tại các chuyến bay quốc tế đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là thời điểm để tìm hướng đi tốt nhất cho 1-2 năm tới, các nhà phát triển BĐS công nghiệp cần phải cấu trúc lại những sản phẩm, giải pháp cũng như dây chuyền khép kín và chuỗi cung ứng để hoàn thiện mình. Vì khi tình hình chung của thế giới biến chuyển tốt hơn, thì các nhà phát triển BĐS công nghiệp hoàn toàn có thể sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng... để thu hút các nhà đầu tư.
Đặc biệt, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo sẽ có một làn gió mới cho lĩnh vực BĐS nói riêng và cho nền kinh tế nói chung, nhất là tại TP. HCM và Hà Nội.
Ông có lời khuyên nào cho các chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư?
- Để đạt hiệu quả kinh doanh trong năm 2021, các doanh nghiệp tùy theo loại hình BĐS sẽ có chiến lược khác nhau. Riêng với doanh nghiệp BĐS nhà ở, mục tiêu năm 2021 là tạo ra sản phẩm, vì nếu không có sản phẩm thì sẽ không có nguồn thu.
Ở lĩnh vực BĐS thương mại, văn phòng, các doanh nghiệp cần cân đối lại khách hàng mục tiêu, cân đối doanh thu và chi phí. Những văn phòng do giá cả mà bị bỏ trống thì nên cân đối lại nguồn thu dựa trên ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn.
Còn đối với BĐS công nghiệp, cần có tầm nhìn vĩ mô. Việt Nam có những lợi thế từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ các hiệp định của châu Âu. Những việc này sẽ có tác động rất lớn đến khu vực BĐS.
Với nhóm đầu tư cá nhân, tuỳ theo kỳ vọng từ 1-2 năm có lời thì với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ngoài ra, BĐS nhà ở luôn là câu chuyện mà mọi người quan tâm, nên thủ tục pháp lý là điều phải luôn lưu ý. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro, vì đây là 3 yếu tố quan trọng khi đầu tư vào một dự án.
Phạm Minh thực hiện