Hiện dòng vốn đổ vào BĐS đang tập trung vào loại hình phức hợp, thiếu vắng các dự án bán lẻ xa xỉ |
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD.
Vốn vào BĐS phức hợp
Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) gần 4,2 tỷ USD.
Điều đáng nói, dòng vốn vào BĐS trong quý IV/2020 nói riêng và năm 2020 nói chung chủ yếu vào các dự án phức hợp như: nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng… thay vì xu hướng đổ tiền phát triển các trung tâm bán lẻ độc lập.
Theo báo cáo của CBRE mới đây, quý IV ghi nhận hai dự án bán lẻ khai trương là International Centre (cải tạo), Vincom Mega Mall Ocean Park, Aeon Mall Lê Chân Hải Phòng. Trong 3 năm tới sẽ có 3 dự án quy mô lớn dự kiến khai trương là Lotte Mall Hà Nội, Aeon Mall Giáp Bát và The Manor Central Park. Còn thống kê từ Savills cho thấy, năm 2021 sẽ có dự án đáng chú ý nhất là Vincom Mega Mall Smart City khai trương.
Còn tại TP. HCM, trong năm 2021, chỉ có một dự án mới khai trương là Socar Shopping Mall tại Quận 2. Từ 2022-2024, một vài dự án có quy mô tiêu biểu ngoài trung tâm như Vincom Megamall Grand Park, Elite Mall sẽ được triển khai.
Một thống kê nữa cho thấy, trong tổng số 70 dự án FDI BĐS được cấp phép mới năm 2020, nổi lên 5 dự án xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị, đều do một chủ đầu tư là CTCP BĐS Việt - Nhật triển khai tại các tỉnh Bến Tre, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 72,3 triệu USD.
Bên cạnh đó, Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tại Khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TSQ Việt Nam thuộc Tập đoàn TSQ Finance (Ba Lan) trở thành dự án BĐS bán lẻ duy nhất thực hiện tăng vốn đầu tư trong năm 2020, với việc bổ sung 67,5 triệu USD hồi đầu năm.
Một số đơn vị nghiên cứu BĐS nước ngoài tại Việt Nam đánh giá, mặc dù vốn FDI vào lĩnh vực BĐS vẫn khá cao, nhưng lĩnh vực tập trung là logistic và các trung tâm thương mại hỗn hợp nhà ở là chủ yếu. Việc này đáp ứng tốt cho các thương hiệu đã có mặt trên thị trường tiếp tục mở rộng sự hiện diện mạnh mẽ hơn như việc Uniqlo và MLB mở các cửa hàng mới.
Trong khi đó, một số nhãn hàng bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước, cùng các nhãn hàng xa xỉ đang tìm cách mở rộng, yêu cầu diện tích lớn từ 300-1.000 m2 ở các vị trí có lượng người mua sắm cao, sầm uất lại thiếu. Các diện tích trống còn lại chỉ từ 100-200m2, chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như thiếu các trung tâm bán lẻ xa xỉ độc lập.
Thiếu dự án chất lượng cao
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, trước đại dịch, khách hàng Việt Nam có thói quen đến Singapore, Bangkok để mua hàng xa xỉ, nhưng sự hạn chế đi lại do ảnh hưởng của Covid-19 đã tạo cơ hội và động lực để các nhãn hàng cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hà Nội đang thiếu những dự án BĐS chất lượng cao, có sẵn, để đáp ứng nhu cầu và điều kiện của các thương hiệu trong ngành mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, mặt hàng xa xỉ. Có những nhãn hàng cao cấp mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa thể tìm thấy địa điểm phù hợp, nên họ tiếp tục chờ đợi hoặc tìm kiếm tại nhóm thị trường khác.
Vị giám đốc Savills Hà Nội đơn cử, sự hiện diện gần đây nhất của Tập đoàn LVMH với hai cửa hàng Louis Vuitton và Christian Dior tại khu vực Tràng Tiền là một dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam.
Hiện quá trình tìm kiếm mặt bằng của các nhãn hàng xa xỉ đang là một thách thức lớn. Họ cần địa điểm nằm trong khu vực có đối tượng khách hàng tiềm năng, có lưu lượng khách qua lại lớn. Đặc biệt là xung quanh khu vực Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Ngô Quyền, các địa điểm phù hợp còn rất ít. Tại đây, số lượng địa điểm chưa vượt quá 30. Trong khu vực trung tâm, thử thách sẽ càng lớn nếu nhãn hàng xa xỉ yêu cầu mặt bằng diện tích lớn và chất lượng tốt, với các chỉ số mặt bằng phù hợp.
Một số chuyên gia dự báo, các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao.
Các trung tâm thương mại với nguồn mặt bằng chất lượng cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ trong bối cảnh thị trường trong nước đang thiếu mặt bằng xa xỉ. Trong vài năm tới, một số trung tâm thương mại chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
"Trong năm 2021, các dự án bán lẻ thu hút vốn FDI sẽ tập trung chủ yếu ở dự án phức hợp như nhà ở, văn phòng, khách sạn, thay vì các dự án bán lẻ độc lập", vị đại diện Savills nói.
Minh Thắm