Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra báo cáo giám sát về tình hình đất đai, cho thấy đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TP.HCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.
Điều chỉnh quy hoạch tăng số tầng
Thời gian qua, nhiều đô thị lớn rơi vào tình trạng quá tải với mật độ nhà cao tầng lớn, hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Tại nhiều tuyến đường của Hà Nội, TP.HCM chật cứng bởi các cao ốc chen nhau mọc lên, như đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương (Hà Nội), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hay dọc bến Vân Đồn (TP.HCM)...
Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Tính trên cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh hơn 5 lần.
Hà Nội và TP.HCM cũng là địa phương có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ vào tốp đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%. Riêng TP.HCM, từ 1/7/2014 đến hết năm 2018, có 181 dự án phải điều chỉnh quy hoạch.
Báo cáo của Quốc hội cũng chỉ rõ việc điều chỉnh tập trung ở các địa phương có bất động sản tăng trưởng nóng, như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Quy hoạch điều chỉnh thường có xu hướng tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…
Theo đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đồng Nai), mỗi lần quy hoạch điều chỉnh là theo xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng. Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn.
“Việc điều chỉnh quy hoạch gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội, người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải... ngày càng tăng, trước mắt là thành phố lớn và sẽ là tất cả đô thị trong tương lai”, ông Vượt nhấn mạnh.
Thực chất, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi: Trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh đó có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của nhà đầu tư? Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng?
![]() |
Việc quy hoạch có lợi ích nhóm dẫn đến đô thị bị băm nát (Ảnh minh họa: Internet) |
Lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch?
Gần đây nhất, tại Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Đoàn Ngoại giao, Ciputra, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính theo hướng nâng cao tầng, chèn thêm các công trình công cộng như bệnh viện vào khu dân cư, gây bức xúc cho nhân dân.
Hay như trụ sở các cơ quan của Nhà nước ra khu vực ven đô, người dân hy vọng các vị trí này sẽ trở thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng, tiện tích. Tuy nhiên, theo các đại biểu, điều mà cử tri cả nước nhìn thấy đó là các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A., đại gia B. trên mảnh đất đó “trơ trơ như thách thức cùng dư luận".
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của chủ đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời.
Dẫn chứng điều này, đại biểu Nhân chia sẻ điển hình như việc rời Trường Y tế cộng đồng tại 138B Giảng Võ, lẽ ra trở thành công trình công cộng, hạ tầng xã hội nhưng cuối cùng lại biến thành tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp.
Một số đại biểu như Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, việc này do chi phối của các doanh nghiệp nên một số lãnh đạo tỉnh đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, đặt nghi vấn lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch các dự án.
"Trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý", ông Diến nói.
Theo đó, các đại biểu đề nghị, quy hoạch sử dụng đất được sử dụng phải là kịch bản cho kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sao cho phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Quá trình lập kế hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cấp trên của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lý trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên.
Phạm Minh