Ngày 10/10, bình luận trong bài viết của Vnbusiness, anh Hoàng Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh vừa nhận được cuộc gọi “chào hàng” của nhân viên một tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam về việc đầu tư căn hộ condotel (căn hộ du lịch) tiền tỷ mà không cần một đồng vốn nào, lại được thu lãi 10%/năm.
"Bẫy" được giăng hoàn hảo?
Cụ thể, khách hàng có nhu cầu mua condotel theo hình thức nói trên sẽ thực hiện theo quy trình nhiều bước. Đầu tiên là đặt cọc, khách hàng sẽ đặt cọc khoảng 100 triệu đồng/căn (được hoàn trả sau khi nhận bàn giao), cùng tài sản đảm bảo bằng sổ tiết kiệm hoặc bất động sản khác.
Về lãi suất, khách hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 1 năm, ân hạn nợ gốc tối đa 36 tháng, hỗ trợ phí trả nợ trước hạn. Đặc biệt, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10% trong 3 năm đầu. Sau 3 năm, khách hàng chia sẻ lợi nhuận cùng chủ đầu tư dựa vào tình hình kinh doanh thực tế.
Khách hàng cần cẩn trọng trước những lời mời gọi "có cánh" mua condotel không đồng, tránh rơi vào bẫy nợ nần. (Ảnh TL). |
Trao đổi với Vnbusiness, anh Trần Tiến Đằng, một nhà đầu tư lâu năm nhận định, phương thức mua condotel không cần vốn hiện tại là “ván cờ” chỉ chắc chắn có lợi cho chủ đầu tư và ngân hàng, còn khách hàng thì “nắm dao đằng lưỡi”.
Ở trường hợp thứ nhất, khách hàng mua được condotel đúng giá trị thực và có đủ nguồn tiền trả nợ, đồng thời tìm được người để bán lại. Nghĩa là, khách hàng vay 3 tỷ đồng và mua được căn có giá trị thực tương đương 3 tỷ đồng.
Với cam kết lợi nhuận 10%/năm, sau 3 năm khách sẽ thu về khoản lãi 900 triệu đồng, vung tiền trả nợ 3 tỷ đồng trước hạn cho chủ đầu tư và nhanh chóng bán lại condotel (cũng phải được giá tối thiểu 3 tỷ đồng) để chốt lời.
Tuy nhiên, theo anh Đằng, đây là nhiệm vụ bất khả thi, đa phần khách hàng sẽ rơi vào trường hợp thứ hai là “ôm” phải những căn có giá trị thực thấp hơn, thậm chí là thấp hơn rất nhiều lần số vốn bỏ ra.
Cụ thể, khách hàng được hỗ trợ 100% vốn để mua một condotel giá 3 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị thực của nó chỉ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đồng nghĩa, khách mua từ không nợ thành con nợ gánh trên lưng 3 tỷ đồng. Còn phía chủ đầu tư dự án vừa đẩy được món hàng 1 tỷ đồng, vừa có thặng dư 2 tỷ đồng để tái đầu tư.
Với khách mua, sau 3 năm thu về lợi nhuận 900 triệu đồng (như chủ dự án cam kết), trả một phần nợ và tiếp tục gánh nợ 2,1 tỷ đồng, trong bối cảnh thời gian cam kết lợi nhuận 10%/năm đã hết. Các năm tiếp theo thì tùy vào hợp đồng với các điều khoản chắc chắn là vô cùng phức tạp, rủi ro “sa lầy” trong nợ nần là không nhỏ.
Cẩn trọng với chiêu "Mỡ nó rán nó"
Nói với Vnbusiness, anh Vũ Đình Tú, một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm gần 10 năm, cho hay việc chủ đầu tư tung loạt chính sách hỗ trợ vốn hiện nay là để kích cầu trong bối cảnh tài chính của khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, điều này phần nào đó cũng là cơ hội sinh lời nếu thật sự may mắn.
Tuy nhiên, khách hàng cần tỉnh táo bởi thực chất đây là “chiêu đòn bẩy” tài chính từ chủ đầu tư, bởi càng vay ngân hàng nhiều thì càng phải “gánh” lãi suất nhiều và rất có thể người mua nhà sẽ rơi vào "bẫy" nợ khi chưa kịp hưởng niềm vui từ cam kết lợi nhuận “trên trời”.
“Việc các chủ đầu tư kết hợp với các tổ chức tài chính đưa ra các gói vay 100%, không lãi suất, ân hạn nợ gốc 18 - 24 tháng đều là hình thức “mỡ nó rán nó”, bởi để hưởng chính sách ưu đãi lãi suất 0% khách hàng đã phải trả mức giá đắt hơn cho căn hộ của mình. Ngoài ra, sau khi hết thời gian miễn lãi suất, mỗi tháng người mua nhà phải trả số tiền không nhỏ cả tiền lãi và tiền gốc. Nếu không chủ động được dòng tài chính, người mua sẽ rơi vào bẫy nợ”, anh Tú phân tích.
Có thể thấy, hình thức mua condotel không cần vốn, cam kết lãi 10%/năm hiện tại là một dạng biến thể của hình thức “mua nhà, đổi nhà 0 đồng” từng gây sốt cách đây vài tháng. Ở đó, người mua mang nhà cũ ra làm tài sản đảm bảo để vay vốn mua nhà mới. Chủ dự án bán được nhà, ngân hàng hưởng lợi từ khoản vay lớn có tài sản đảm bảo. Trong khi người mua gánh nợ, nếu không đủ tiềm lực tài chính thì có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chủ đầu tư bất động sản, đơn vị phân phối sẽ chủ động tung ra những chương trình bán hàng "mới lạ", hấp dẫn, thậm chí gây sốc, nhằm kích thích thị trường, PR sản phẩm.
Tuy nhiên, khách hàng cần tìm hiểu, suy tính kỹ để tránh những rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt là những trường hợp xảy ra khi mất khả năng thanh toán, cắt nợ. Và trong mọi trường hợp, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0 cần nhớ… “miếng pho mai chỉ có trên chiếc bẫy chuột”.
Mỹ Chí