Trái với đồn đoán của nhiều người, đại diện Bitexco vừa lên tiếng đính chính rằng việc các thương hiệu trả lại mặt bằng thương mại tại tòa tháp 68 tầng trong thời gian qua nằm trong kế hoạch tái thiết của chủ đầu tư, không có chuyện khách hàng “tháo chạy”.
Cạnh tranh gay gắt
Câu trả lời đã rõ, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự điều chỉnh của Bitexco bên cạnh lý do chủ quan (thu hồi mặt bằng để tái thiết) còn cho thấy những lý do khách quan liên quan đến thị trường chung.
Rõ ràng nhất là sức ép cạnh tranh trong phân khúc mặt bằng trung tâm thương mại đang ngày càng gay gắt, buộc các thương hiệu hàng đầu cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách thuê, tăng trải nghiệp của người tiêu dùng.
Bitexco vốn được coi là biểu tượng thương hiệu tại TP.HCM cả trong mảng văn phòng và bán lẻ, tuy nhiên kể từ khi các thương hiệu mới như Takashimaya, Landmark 81… xuất hiện với phong cách độc đáo, tạo sức hút lớn với nhiều nhãn hàng, cuộc đua tranh trở nên khốc liệt hơn.
Cùng với những thay đổi mang tính “bắt buộc phải tái thiết” của Bitexco ở khối thương mại, việc Central Retail - gã khổng lồ bán lẻ đến từ Thái Lan, mới đây đặt mục tiêu rót thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam càng cho thấy sức nóng của thị trường mặt bằng trung tâm thương mại.
Miếng bánh thị trường mặt bằng bán lẻ ngày càng hấp dẫn nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. |
Theo đó, Central Retail Việt Nam (CRV) đặt tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh số 1 ngành thực phẩm và số 2 mảng bất động sản - trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027.
Năm 2022, CRV đã mở thêm loạt trung tâm thương mại Go! mới ở Lào Cai, Quy Nhơn, Thái Bình và nhắm đến Đồng Tháp, Bạc Liêu trong năm 2023.
Với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng siêu thị lên hơn 70 trong vòng 5 năm, đại gia đến từ Thái Lan công bố sẽ chi 30 tỷ Baht (790 triệu USD) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa doanh số đến năm 2026 đạt 100 tỷ Baht (hơn 2,8 tỷ USD).
Theo bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers (Việt Nam), miếng bánh thị phần ngày càng hấp dẫn nhưng cũng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các "tay chơi" đang hiện diện.
“Chúng tôi đã có dịp trao đổi với đại diện các thương hiệu này và họ rất quan tâm đến thị trường bán lẻ trong nước. Khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm mặt bằng và đeo đuổi thủ tục pháp lý”, bà Trang cho biết.
Sức hút tiếp tục tăng?
Dù cạnh tranh đang vô cùng khốc liệt, tuy nhiên, thực tế cho thấy mặt bằng trung tâm thương mại vẫn đang và sẽ là phân khúc điểm sáng với tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Những tín hiệu gần đây cũng cho thấy, dù thị trường bán lẻ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023 thì các trung tâm thương mại ở Tp.HCM vẫn đang không ngừng mở rộng, cải tạo lại mặt bằng hoặc tái gia nhập thị trường.
Theo báo cáo mới nhất từ Cushman & Wakefield (C&M), Hùng Vương Plaza (quận 5, Tp.HCM) hiện đang được cải tạo và dự kiến sẽ tái gia nhập thị trường trong năm nay. Còn vào giữa tháng 12/2022, Diamond Plaza mở cửa trở lại sau khi cải tạo.
Hay như Thiso Mall ở Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cả bình dân lẫn cao cấp như Uniqlo, Starbucks, Highlands Coffee, Pizza 4P’s, Levi’s, Adidas, Valetino Creation…
Tính ra, theo C&M, tổng nguồn cung bán lẻ đang hoạt động ở Tp.HCM đạt 1,052 triệu m2. Trong đó có Thiso Mall đóng góp thêm khoảng 33.000 m2 vào tổng nguồn cung.
Mặt khác, có 4 dự án trung tâm thương mại được dự báo sẽ "chào sân" vào năm 2023 là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới.
Chuyên gia phân tích của C&M cho rằng, việc nhiều trung tâm thương mại lên kế hoạch, tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại là diễn biến tích cực của thị trường, nhất là khi các mặt bằng bán lẻ đã lỗi thời được nâng cấp.
Đặc biệt, theo Savills Việt Nam, với nhu cầu liên tục mở rộng, không ít khách thuê đang phải xếp “lốt” để chờ vị trí đắc địa. Như tại Giga Mall (TP Thủ Đức), AEON Mall Bình Tân và Vạn Hạnh Mall (quận 10), nhiều khách thuê đang phải chờ vì vị trí đẹp đã được lấp đầy.
Về giá thuê, bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn tại JLL Việt Nam dự báo giá thuê có thể tăng đột biến trong 12 tháng tới.
"Dự kiến đến cuối năm 2023, các trung tâm thương mại được cải tạo ở khu vực trung tâm sẽ tăng giá thuê thêm 21,1% so với cuối năm 2021. Đồng thời, khu vực ngoài trung tâm cũng sẽ có giá thuê tăng cao do nhu cầu của các khách thuê F&B và thời trang nhanh quốc tế", bà Trang nói.
Nhìn chung, trong năm 2023, các nhà bán lẻ vẫn sẽ ở trong tâm thế thận trọng và gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng xét về dài hạn, thị trường bán lẻ sẽ vẫn sáng khi khai phá hoặc đáp ứng đúng mức nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới ở Việt Nam.
Hưng Nguyên