Vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ 5 nghi phạm về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Các nghi phạm bị cáo buộc có hành vi sai phạm liên quan vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn nhằm "phá" phiên đấu giá.
Mạnh tay chặn “vết dầu loang”
Cụ thể, vào tháng 11/2024, biết thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức, các đối tượng trên đã bàn bạc với nhau để thực hiện hành vi “thổi giá” nhằm trục lợi.
Sau nhiều vòng đấu giá, nhóm nghi phạm đã đưa ra mức giá vượt xa giá khởi điểm, rồi đồng loạt bỏ cọc. Đặc biệt, dẫn đầu nhóm nghi phạm là Phạm Ngọc Tuấn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.
Mạnh tay siết chặt hoạt động đấu giá đất, ngăn thổi giá trục lợi bất chính là cần thiết. |
Trước các dấu hiệu bất thường của cuộc đấu giá, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường thành phố Hà Nội đã vào cuộc, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các nghi phạm.
Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các nghi phạm theo quy định.
Cần nhấn mạnh, quyết định tạm giữ 5 nghi phạm trong vụ đấu giá tại Sóc Sơn là hành động pháp lý quyết liệt của cơ quan chức năng, và được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh vấn nạn thổi giá, đầu cơ trong các phiên đấu giá đất tại Hà Nội đang trở thành vết dầu loang, gây hệ lụy nghiêm trọng.
Điển hình, diễn ra gần như cùng thời điểm, phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 30/11 tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) với 22 thửa, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2 cũng có dấu hiệu bị gây "nhiễu".
Mức trả cao nhất tại phiên đấu giá lên tới 70 triệu đồng/m2 ở vòng 8, tuy nhiên, sau khi đẩy giá lên cao ngất, nhiều người tham gia đấu giá đã bỏ cuộc, khiến phiên đấu giá phải dừng lại và cuộc đấu giá phải hủy kết quả.
Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Thanh Oai, không ít người cũng sửng sốt với kết quả phiên đấu giá 68 thửa đất ở khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Với mức giá khởi điểm từ 8,667 triệu đến 12,575 triệu đồng/m2, kết quả đấu giá nhiều lô đất cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Mức trúng đấu giá phi lý, dao động từ 51,767 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2 đã gây choáng với nhiều người dân khu vực. Đáng nói, toàn bộ các lô có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 người trúng đấu giá sau đó đều “quay xe” bỏ cọc.
Siết quy định, ngăn “trọng bệnh”
Giá đất đấu trúng vượt xa giá trị thật, theo chuyên gia, sẽ gây nhiễu loạn thông tin, tâm lý thị trường, gây khó khăn cho công tác thẩm định giá không chỉ trong phạm vi địa phương.
Đặc biệt, kết quả đấu giá có thể tạo thời cơ để các nhóm đầu cơ lợi dụng để thao túng giá, phục vụ mục đích thu lời bất chính. Những nguy cơ tiềm tàng đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để kiểm soát, xử lý, tránh để hành vi “thổi giá” đất đấu giá trở thành… trọng bệnh.
Mới đây, trong một hội nghị tiếp xúc với cử tri, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất. Đồng thời xử lý nghiêm, cứng rắn với những cá nhân lợi dụng đấu giá đất để "thổi" giá, hưởng lợi.
Sáu giải pháp đã được “tư lệnh” ngành TN&MT đưa ra để chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, đầu tiên là các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về Luật Đấu giá tài sản của Nhà nước, Luật Giá, Luật Đất đai năm 2024.
Hai là, công khai minh bạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá. Ba là, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất. Bốn là, các địa phương cần tăng cường các giải pháp về nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, có giá cả hợp lý để bà con có thể chi trả và mua sử dụng, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất ở, nhà ở.
Năm là, trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi. Sáu là, tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục các tình trạng như phản ánh trong thời gian vừa qua ở vùng ven ngoại thành Hà Nội.
Trước khi các giải pháp vĩ mô được áp dụng, ở góc nhìn của một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, anh Lại Đức Lâm (Hà Nội), cho rằng việc đấu giá cũng là cơ chế tốt để hâm nóng giá cả thị trường, kích cầu. Tuy nhiên, để loại bỏ hành vi “thổi giá”, kiếm lời bất chính, cơ quan quản lý cần thực hiện các biện pháp mang tính kỹ thuật về giám sát, kiểm soát để việc đấu giá phát huy hiệu quả tích cực.
Đáng chú ý, theo Luật đất đai 2024, các địa phương đều sẽ ban hành bảng giá đất mới tiệm cận với giá thị trường. “Đây sẽ là cơ sở để người dân tham khảo, có tính dẫn dắt giá cả thị trường. Người dân cần nắm chắc bảng giá, từ đó đối chiếu tìm ra giá trị thật của tài sản khi mua bán, tránh trở thành phương tiện kiếm lời của giới đầu cơ”, anh Lâm nhấn mạnh.
Hưng Nguyên