Condotel chỉ thành công sau khi hoàn thiện pháp lý |
Theo dự báo của ngành du lịch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 650.000 - 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 - 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 - 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2 - 8,5% đến 2020; 7,8 - 8,0% giai đoạn 2020 - 2025 và 7 - 7,5% giai đoạn 2025 - 2030.
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9 - 11%/năm.
Trước những con số dự báo, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), cho biết thời gian tới, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.
"Bất động sản (BĐS) du lịch sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới. Trước đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên", ông Siêu cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia BĐS nhận định vấn đề pháp lý cho condotel vẫn chưa được giải quyết chính là rào cản rất lớn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch và phát triển BĐS du lịch.
Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnREA), cho rằng pháp lý cho condotel vẫn đang bị đùn đẩy, chưa được giải quyết.
Theo ông Nam, từ đầu năm 2017, VnREA đã nhiều lần tổ chức hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel. Tại những cuộc hội thảo này, ông Nam đều nhấn mạnh condotel rất phù hợp với việc huy động vốn, khả năng nhu cầu, đầu tư của người dân Việt Nam.
"Trong hai năm kiến nghị, các bộ ngành đều đồng ý, nhưng không bộ, ngành nào chịu ra văn bản, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Năm ngoái, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giải quyết vấn đề này, nhưng hỏi lại thì hiện nay đều đang xem xét", ông Nam nói.
Mới đây nhất, ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng đã ký văn bản giao các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế chính sách để phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng giải quyết thủ tục pháp lý cho các loại hình condotel, officetel.
Trước đó, tại Diễn đàn "BĐS du lịch 2019", đánh giá về mô hình condotel ở Việt Nam, ông Luis Mesquita de Melo, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế, Asian Coast Development Ltd, cho hay ông biết có dự án condotel được nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc ưa chuộng vì nó là một khu nghỉ dưỡng tích hợp, qua đó nhận được giá trị cộng thêm từ sân golf quanh khu vực đó.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Luis, chúng ta không thể có khái niệm về khu nghỉ dưỡng tích hợp nếu chúng ta không có hệ thống pháp lý, khung pháp lý rõ ràng.
"Theo nguyên tắc chúng ta không cần sáng tạo ra bánh xe nữa, Việt Nam chỉ cần xem xét các thị trường khác đã từng trải qua điều này để học hỏi ứng dụng", ông Luis nói.
Đơn cử như chuỗi Marriott khi tới Macao đã phát triển mô hình rất hay là "câu lạc bộ nhà trống", mua điểm dưới dạng hội viên để ở khách sạn và nhà ở trên toàn cầu thuộc Marriott. Tuy nhiên, Macao lúc đó không có khung pháp lý nào, cuối cùng Marriott thất bại và rời khỏi Macao.
Theo ông Luis, condotel cũng chỉ là một trong rất nhiều mô hình, tương tự như time sharing, muốn thành công, chúng ta phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để vận hành.
Cũng tại diễn đàn này, ông Kai Marcus Schroter, Tổng Giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM), đã đề cập tới điểm nóng condotel tại Việt Nam. Vị Tổng giám đốc này cho rằng sở dĩ condotel "nóng" là bởi nhiều người còn chưa thực sự hiểu rõ về condotel.
Về cơ bản, condotel là một mô hình BĐS tạo dòng tiền tốt, nhưng lợi nhuận 10 - 15%/năm theo ông Kai Marcus Schroter chỉ là con số mang tính quảng bá và chưa thực sự khả thi.
Minh Sơn