Theo nghiên cứu của công ty Savills, Việt Nam có khoảng 45.650 sản phẩm nghỉ dưỡng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019 - 2022, tính trung bình có 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm, chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại. Cụ thể, Quy Nhơn có 2.250 phòng, Đà Nẵng có 12.600 phòng, Nha Trang và Cam Ranh có 17.800 phòng.
Cuộc đua đến hồi kết?
Việc đưa ra các chính sách cam kết lợi nhuận đã nhanh chóng giúp các dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đã đạt thanh khoản tốt. Ban đầu, để bán được hàng, các chủ đầu tư đưa ra “mồi nhử” với mức cam kết lợi nhuận 8 - 10%/năm trong thời gian 5 năm. Thế nhưng, bước vào cuộc chạy đua, nhiều dự án đã cam kết 12 - 15%/năm trong thời gian 8 - 10 năm.
Chính nhờ cuộc chạy đua này, thị trường BĐS nghỉ dưỡng bùng nổ, nhiều doanh nghiệp BĐS nhà ở đã chuyển hướng sang đầu tư nghỉ dưỡng và đây cũng trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tốt nhất.
Tuy nhiên, từ năm 2018, thị trường BĐS đã bắt đầu xuất hiện một số dự án nằm ngoài xu hướng chung, thực hiện chính sách bán BĐS nghỉ dưỡng không cam kết lợi nhuận.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc công ty Việt An Hòa, nhận định các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang có xu hướng từ bỏ cam kết lợi nhuận để đưa BĐS về giá trị thực, đồng thời giúp cả chủ đầu tư và khách hàng tránh được rắc rối trong quá trình vận hành.
Có thể kể đến như tổ hợp nghỉ dưỡng The Arena Cam Ranh của chủ đầu tư Vịnh Nha Trang với quy mô hơn 5.000 căn hộ khách sạn đã đưa ra hai lựa chọn cho khách hàng là được tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư và đơn vị quản lý.
Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né của chủ đầu tư IDJ và đơn vị phát triển Apec Group với quy mô gần 3.000 căn hộ khách sạn cũng đi theo xu hướng này.
Theo đó, đối với những căn hộ không cam kết, các khách hàng có thể tự vận hành quản lý hoặc cho chủ đầu tư thuê lại và chia sẻ lợi nhuận với tỷ lệ 80% dành cho người mua.
Cũng tại Mũi Né, Phan Thiết, dự án Goldsand Hill Villas và NovaHills ra mắt cuối năm ngoái cũng không tham gia cuộc đua cam kết lợi nhuận như đa số các dự án nghỉ dưỡng khác trên thị trường.
Trước đó, dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Novotel Villas Phú Quốc đã rất thành công khi áp dụng chính sách không cam kết lợi nhuận. Bên cạnh mức cam kết lợi nhuận 9% trong vòng 9 năm đối với khách hàng mua biệt thự, CEO Group đã đưa thêm cho khách hàng một lựa chọn khác là không cam kết lợi nhuận bằng con số cụ thể, lợi nhuận người mua thu được dựa trên tình hình kinh doanh thực tế.
Việc cam kết lợi nhuận một mặt tạo ra tâm lý an tâm cho khách hàng, nhưng mặt trái đã đẩy giá trị căn hộ lên cao để bù cho phần lợi nhuận cam kết với khách hàng. Trong khi đó, khi dự án đi vào hoạt động lại không hiệu quả, khiến khách hàng mất niềm tin với các chủ đầu tư.
Hai hình thức lựa chọn
Thời gian qua, nhiều khách hàng tại một số dự án ở Nha Trang đã phản đối chủ đầu tư vì đến khi vận hành chủ đầu tư không trả được cam kết cho khách hàng.
Nhận định về hình thức cam kết này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng thực chất đây là việc chủ đầu tư tăng giá bán để bù đắp một phần cam kết, hay nói cách khác, chủ đầu tư lấy tiền trước của khách hàng rồi trả lại dần cho khách hàng theo cam kết theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Apec Group, tại những nước du lịch phát triển, phần lớn các chủ đầu tư đều không đưa ra cam kết lợi nhuận mà tập trung vào các giá trị lâu dài, bền vững của sản phẩm như dự án tốt, chất lượng dịch vụ bảo đảm, đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.
Do đó, các khách hàng hiện nay không quan tâm nhiều đến lợi nhuận cam kết mà điều quan trọng là giá trị thực mà chủ đầu tư xây dựng trong sản phẩm của mình để hấp dẫn khách du lịch và khả năng kinh doanh về sau.
Thực trạng “loạn” cam kết lợi nhuận tại Việt Nam những năm vừa qua đã từng khiến ông Michael Piro - Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, phát biểu tại Diễn đàn BĐS Du lịch biển Việt Nam 2018: “Cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy”.
“Thay vì đưa ra các mức lợi nhuận cam kết, các nhà phát triển cần quan tâm nhiều hơn đến uy tín, sự tham gia của các đơn vị quản lý tầm quốc tế và tạo sự minh bạch trong mua bán để đem lại niềm tin từ phía khách hàng”, ông Michael nói.
Mặc dù đến nay các chủ đầu tư không thể bỏ hẳn cam kết, nhưng các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã đưa ra cùng lúc cả hai dòng sản phẩm: Cam kết lợi nhuận và không cam kết lợi nhuận.
Việc đưa ra hai hình thức này, theo ông Huy, để khách hàng có hai phương án lựa chọn, nếu không giao cho các chủ đầu tư quản lý vận hành, thì họ có thể tự kinh doanh sản phẩm của mình.
Theo một số chuyên gia, các BĐS nghỉ dưỡng không cam kết lợi nhuận sẽ là xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư trong tương lai. Minh chứng là thời gian gần đây, thị trường BĐS đã bắt đầu xuất hiện các sản phẩm shoptel – mô hình kinh doanh thương mại (shop) kết hợp với khách sạn mini (hotel) không cam kết lợi nhuận.
Phạm Minh