Những ngày đầu tháng 3, khi dư âm về sự việc một công ty môi giới "xua" nhân viên đi tạo nóng sốt chốt đất ở Bình Phước chưa hạ nhiệt, thì những ngày gần đây xuất hiện một hiện tượng khá phổ biến là loạt nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ tại các lô đất... trên giấy.
Đủ chiêu gây nhiễu loạn
Không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, những đợt sóng lên giá của nhà đất vẫn đang tiếp tục nóng lên từng ngày kể từ đầu năm 2022. Ở nhiều nơi, các cơn sốt đất cục bộ xảy ra khiến giá tăng dựng đứng, đặc biệt hiện tượng phân lô bán nền ồ ạt khiến nền nhiệt thị trường ngày càng tăng.
Anh Lê Quang Vinh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 15 năm chia sẻ với VnBusiness: “Nói một cách thẳng thắn thì để bán được hàng nhanh, môi giới nào cũng cần dùng đến “nghệ thuật nói quá”. Nhưng phải đến 90% các khu phân lô bán nền hiện tại đều là để “lùa gà”, nghĩa là để lôi kéo nhà đầu tư nhẹ dạ”.
Anh Vinh kể, một người bạn của anh tên Tuấn là nhà đầu tư mới vừa có một pha “lướt sóng” thất bại ê chề khi tin lời giới thiệu của môi giới “múc” một lô đất 70m2 ở Sơn Tây, Hà Nội, được tách thửa từ mảnh đất hơn 1000m2, có giá 18 triệu đồng/m2.
Khi tìm hiểu, được môi giới quảng cáo đây là lô đất có vị trí đắc địa, giá bán đang ở mức 20 – 22 triệu/m2, đang được săn đón, mua xong là có lãi ngay. Vì chủ nhà đang có việc cần tiền nên bán gấp. Tuy nhiên, sau khi xuống tiền, anh Tuấn mới nhận ra mảnh đất phải mất vài năm để có lãi.
Trường hợp nhà đầu tư F0 nhẹ dạ “dính bẫy” của môi giới như của anh Tuấn thực tế không hiếm. Theo các chuyên gia hầu hết các thông tin rao bán vì “có việc cần tiền gấp”, “bán cắt lỗ”, “bệnh hiểm nghèo cần tiền nên bán đất giá rẻ”… đều là những chiêu trò của “cò”, người mua cần đặc biệt thận trọng.
Tham vọng làm giàu nhanh, nhiều nhà đầu tư đang bị bủa vây bởi các chiêu trò thổi giá, sốt đất ảo. |
Bên cạnh chiêu thổi giá đất phân lô, những ngày gần đây nhiều nhà đầu tư mới còn gặp phải tình trạng môi giới “nói một đằng, làm một nẻo”, nghĩa là đăng thông tin một lô đất để mời chào sau đó lại tư vấn khách hàng đến một lô đất khác, với đủ các phiền toái.
Chị Trần Thu Hoài, một nhà đầu tư F0, chia sẻ mới đây chị có hẹn đi xem lô đất vườn rộng gần 1.000 m2 trên đường Lã Xuân Oai, quận 9, TP.HCM với giá 3 tỷ, đây là mức giá được giới thiệu thấp hơn giá thị trường 15%, tuy nhiên môi giới không hẹn gặp tại khu đất mà hẹn ở cửa Thảo Cầm viên, quận 1.
“Dù thấy lạ nhưng tôi vẫn tới vì có ảnh chụp sổ đỏ. Đến điểm hẹn thì họ liên tục lảng tránh cung cấp thông tin về mảnh đất đã đăng tin, và nói sang cơ hội đầu tư ở những vùng khác. Khi tôi làm căng thì họ lại dẫn tôi đến một mảnh đất khác với lý do là… đăng nhầm thông tin”, chị Hoài kể.
Làm sao thoát “ma trận”?
Cần nhắc lại, thời điểm cuối năm 2021, sau thời gian dài chứng kiến “cơn điên” của giá nhà đất, các cơ quan chức năng, quản lý đã đồng loạt lên tiếng về một giải pháp mạnh tay để siết lại thị trường, kiểm soát sự lũng đoạn của giới đầu cơ, đặc biệt là “cò” địa ốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, các chiêu trò thổi giá, tạo sốt ảo ngày càng tinh vi, thì bản thân các nhà đầu tư cần tìm cách tự "đọc vị", nhận diện các kịch bản để tránh rơi vào ma trận của các đối tượng môi giới thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là lừa đảo.
Anh Dương Quốc Long, chủ một sàn giao dịch bất động sản ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho hay cách tốt nhất là các nhà đầu tư nên liên hệ với những môi giới có uy tín, trường hợp không thể thì cần lưu ý khi môi giới có các đặc điểm như giới thiệu quá bùi tai, khi tư vấn trực tiếp thì liên tục có người đến xin tư vấn, đòi chốt hợp đồng, cẩn trọng những lời rao vặt trên tờ rơi, mạng xã hội…
“Nhiều nhà đầu tư được môi giới đưa đến các khu mở bán có dựng rạp quây kín. Xung quanh sôi động, có hàng chục nhân viên tư vấn, cò mồi, khách hàng đông đúc nhưng thực chất chỉ là “quân xanh, quân đỏ”, diễn trò tranh nhau chốt đất… thực tế đây chỉ là chiêu thức để thao túng cảm xúc, người mua cần tránh xa những công ty môi giới như vậy”, anh Long nhấn mạnh.
Cũng theo anh Long, bản chất của môi giới chỉ là cầu nối giữa người mua và người bán, không thực hiện hành vi mua qua bán lại. Tất cả những dự án được phê duyệt, đầy đủ pháp lý thường sử dụng môi giới chuyên nghiệp qua các sàn giao dịch bất động sản.
Môi giới chuyên nghiệp luôn tuân thủ khá triệt để các quy định pháp luật, bán hàng chuyên nghiệp và hoạt động một cách hiệu quả. Việc găm giá, tăng giá ảo, thổi giá... thường không nằm trong các dự án chính thống mà lại nằm ở những khu đất bên ngoài.
Có thể thấy, giữa muôn trùng vây, khi các cơ quan quản lý vẫn chưa thể làm sạch thị trường, các quy định pháp lý chưa thể loại bỏ “cò” thao túng giá, các nhà đầu tư bất động sản vẫn cần tự bảo vệ mình với “tấm khiên” tốt nhất là sự tỉnh táo và tìm hiểu thấu đáo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt, không xuống cọc khi cái đầu đang nóng. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, có hoạt động hợp pháp để được tư vấn và tiến hành các giao dịch mua bán”.
Nhật Minh