Các kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ lấp đầy khách sạn hai miền đang tăng mạnh. Trong quý II/2022, công suất thuê phòng khu vực Hà Nội tăng 20% theo quý và 16% theo năm, đạt 43%. Công suất phòng ở TP.HCM đạt trên 39%, tăng 19% theo quý và 21 % so với cùng kỳ năm 2021.
Cuộc đua dần nóng lên
Anh Hoàng Quốc Trung, điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ trong 2 năm đại dịch, gần 2/3 bạn bè của anh làm trong lĩnh vực khách sạn, resort phải chuyển hướng kinh doanh. Những người trụ lại dù còn nhiều khó khăn nhưng đang dần ổn định.
Nhìn vào những con số thống kê, theo anh Trung, kinh doanh khách sạn sẽ cần thêm thời gian để trở lại thời hoàng kim, nhưng so với tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 10 – 20% hồi đầu năm thì những thành tích hiện tại là vô cùng ấn tượng. Nhiều chuỗi khách sạn hiện đang có công suất 80 – 95%.
“Trong thời gian tới khi khách du lịch phục hồi trở lại, công suất phòng sẽ tiếp tục tăng. Chưa kể tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn có thể cao hơn khi nhân sự được tăng cường”, anh Trung nhấn mạnh.
Không chỉ phản ánh qua tỷ lệ lấp đầy, thị trường khách sạn đang cho thấy sự bùng nổ bởi sự tham gia của loạt thương hiệu quốc tế mới. Điển hình như chuỗi khách SOJO Hotels đã phát triển nhanh chóng, đạt quy mô gần 10 khách sạn chỉ trong vòng chưa đầy một năm ra mắt. SOJO Hotels gây ấn tượng với chuỗi "khách sạn không điểm chạm", đặt mục tiêu có 100 chi nhánh trong 5 năm tới.
Tương tự, một chuỗi khách sạn trẻ khác là Wink cũng đang khởi công khách sạn thứ 6 tại Việt Nam. “Chúng tôi đã lên kế hoạch phát triển và đưa vào hoạt động 20 khách sạn trong vòng 5 đến 7 năm tới", ông Peter Ryder, Chủ tịch Wink Hotels kiêm Giám đốc điều hành Indochina Capital, khẳng định.
Thị trường khách sạn đang có sự phục hồi mạnh mẽ và kỳ vọng trở lại thời đỉnh cao. |
Cùng với những tên tuổi mới, những thương hiệu quen thuộc tại Việt Nam cũng đang liên tục trở lại với tham vọng mở rộng thị trường, điển hình như InterContinental Hotels Group, Marriott International, Hyatt Hotels, Accor Hotels, Wyndham Hotel Group, Best Western International...
Ông Gabriel Escarrer Jaume, Giám đốc điều hành Tập đoàn Melia Hotels International, đánh giá Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn có thể so sánh với Australia, Nhật Bản hay Hong Kong (Trung Quốc).
Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của khách sạn, tương tự như Thái Lan khoảng 20 hay 30 năm về trước. Các nhà đầu tư phát triển khách sạn đã nhìn ra điều này, vì vậy mà hình thành hàng loạt khách sạn, resort khắp đất nước.
Tạo khác biệt hoặc “chết”
Sự lớn mạnh của cả những thương hiệu cũ và mới cho thấy sức cạnh tranh của ngành khách sạn trong thời gian tới sẽ ngày càng khốc liệt. Khi miếng bánh thị phần thu hẹp lại, nếu các chủ đầu tư không có những chiến lược tốt, sự thích nghi kịp thời có thể rơi vào thế yếu.
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels, dẫn chứng từ nay đến 2024, ước tính chỉ riêng khu vực Cam Ranh dự kiến ghi nhận thêm 8.300 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp, tăng 154% so với hiện tại, trong khi đó khu vực Hồ Tràm - Long Hải cũng sẽ đón nhận thêm khoảng 4.100 phòng, tăng 132%.
“Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không kịp khôi phục và phát triển thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tại một vài địa điểm, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước", bà Nguyễn nhận định.
Đồng quan điểm, ông John Gardner, Giám đốc điều hành Tập đoàn Archipelago Indochina, cảnh báo tình trạng quá tải nguồn cung có thể xảy ra dẫn tới cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, cuối cùng là việc thu hút sai đối tượng du khách tới Việt Nam. Về lâu dài, nếu mọi nơi cung ứng sản phẩm giống nhau thì sẽ rất khó cạnh tranh.
Bên cạnh sức ép “làm mới mình” để thu hút khách hàng, theo các chuyên gia, kinh doanh khách sạn trong nước còn đối diện với khó khăn khác là thị trường hiện phụ thuộc khá nhiều vào khách quốc tế.
“So với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Singapore thì một số chính sách thu hút khách của Việt Nam vẫn còn chưa thực sự linh hoạt, tạo rào cản để kéo khách trở lại. Chẳng hạn Việt Nam cho khách quốc tế thời hạn miễn thị thực kéo dài 15 ngày song tại Thái Lan, hồi tháng 6/2022 đã đề xuất miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế và gia hạn thời gian nhập cảnh từ 30 lên 45 ngày đối với các du khách đến từ các quốc gia không yêu cầu thị thực trong nửa cuối năm 2022”, một chuyên gia cho hay.
Có thể thấy, "mây đen" đã dần tan và những hy vọng đang mở ra với ngành khách sạn, dù kết quả thực tế ra sao thì vẫn cần thời gian trả lời. Sau những “ngày đông lạnh giá”, điều cần làm lúc này của giới chủ khách sạn là tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, linh hoạt trong hoạt động thu hút khách và… chờ đợi “nắng lên”.
Hiến Nguyễn