Sau hơn 5 năm ở trọ trong một căn phòng rộng 15m2 ở khu 3, phường Bình Chiểu (TP. Thủ Đức, TP. HCM), chị Hoàng Thị Lan, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II “mừng phát khóc” khi được duyệt suất thuê chung cư trong khu lưu trú công nhân Thiên Phát, giá 2,2 triệu đồng/tháng.
Hy vọng của người thu nhập thấp
Chị Lan kể, hai vợ chồng chị làm cùng công ty, đón con nhỏ lên TP. HCM ở cùng cách đây 3 năm. Hai vợ chồng từng quyết tâm tích lũy để mua nhà, nhưng 3 năm qua, giá liên tục tăng chóng mặt, ngay những căn nhà trong khu trọ cũ của chị trước đây có giá 250-300 triệu giờ cũng lên gấp đôi, gấp ba.
“Mỗi tháng hai vợ chồng tiết kiệm được 10 - 12 triệu đồng, nếu có nhà khoảng 1 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn 15-20 năm, cộng thêm vay mượn ở quê, thì chúng tôi có thể cố được. Nhưng sau những đợt sốt giá vừa qua thì giờ tìm nhà 2 tỷ đồng còn không có, nói gì đến nhà hơn 1 tỷ đồng”, chị Lan chia sẻ.
Cánh cửa mua nhà gần như khép lại, nhìn con phải chịu khổ trong khu nhà trọ chật hẹp, chị Lan lại ước sẽ có nhà cho thuê giá rẻ, không cần tiêu chuẩn cao, chỉ cần sạch sẽ, thoáng mát, an toàn là đủ.
Sau thời gian dài đăng ký, đầu năm 2022, gia đình chị Lan được duyệt suất thuê nhà nằm trong khu lưu trú của công ty. Căn hộ chỉ rộng gần 30m2, tiện ích cũng ít hơn nhiều so với chung cư thương mại, nhưng với những gia đình công nhân, đây giống như một “thế giới khác” (so với khi ở trọ).
Cần có chính sách tốt hơn để hút doanh nghiệp làm nhà cho thuê giá rẻ, giải cơn khát đang ngày càng tăng. |
“Nơi ở sạch sẽ, riêng tư, tôi có thể đón bà ngoại lên trông cháu. Nhà trẻ ở ngay dưới chân chung cư nên rất tiện. Chúng tôi chuyển vào ở được mấy tháng rồi và chưa từng có ý nghĩ sẽ tìm chỗ khác, vì với mức giá trên dưới 3 triệu cả điện nước thì không đâu bằng được”, chị Lan tâm sự.
Khu chung cư nằm trong khu lưu trú Thiên Phát hiện cũng là nơi “an cư, lạc nghiệp” của gần 400 hộ gia đình công nhân khác. Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện chủ đầu tư dự án, cho hay để có được thành quả hiện nay, “thành phố đã tạo điều kiện giao đất để những doanh nghiệp như chúng tôi xây nhà ở cho công nhân, người lao động”.
Cách nào khơi thông nguồn cung?
Chỉ một dự án tiêu biểu cho thấy để có được những khu nhà thuê giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp, vài trò quản lý, hỗ trợ của cơ quan Nhà nước là yếu tố quyết định. Khi được tạo điều kiện thông thoáng hơn, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng “xắn tay” vào làm dự án.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khoảng 1,8 triệu căn nhà xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp ở các đô thị lớn trong giai đoạn 2022-2030.
Kết quả khảo sát tại hơn 40 địa phương trên cả nước cho thấy, nhu cầu nhà ở của công nhân và người thu nhập thấp tại các đô thị đến năm 2030 vào khoảng 2,6 triệu căn. Con số 1,8 triệu căn dự kiến trong đề án dù chưa đáp ứng hết nhu cầu nhưng cũng mở ra nhiều hy vọng cho người dân.
Nhiều chuyên gia cũng hy vọng sự quan tâm, sát sao của Thủ tướng Chính phủ cũng như các ban ngành chức năng sẽ giúp các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ có nhiều đột phá hơn, thu hút các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều chủ đầu tư lớn tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điển hình như Vingroup cam kết xây 500.000 căn nhà, Novaland cam kết xây khoảng 200.000 căn nhà, Him Lam cam kết xây 75.000 căn nhà, cùng nhiều "ông lớn" khác như Sungroup, Bitexco...
Tuy nhiên, bỏ qua chuyện bao giờ xong, theo chuyên gia, khả năng để các sản phẩm nhà ở xã hội sau khi hoàn thành có giá bán phù hợp với thu nhập của công nhân, lao động phổ thông là rất khó. Vì vậy, phát triển nhà cho thuê giá rẻ phải là một trong những định hướng được quan tâm hàng đầu.
TS Lê Cao Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, phân tích xây dựng nhà ở để cho thuê thì giá cho thuê rất cao mới thu hồi được vốn, lại phải tổ chức quản lý... Chưa kể, lãi suất thương mại hiện nay đã trên dưới 10%/năm, vay tiền 10 năm đã phải trả gấp đôi, vì vậy các doanh nghiệp sẽ rất ngại loại này, họ thích xây nhà để bán lấy lời cho nhanh.
Vì vậy, theo ông Tuấn, trước hết cần tạo động lực cho doanh nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội bằng cách giúp họ có thêm khoản thu từ nguồn khác bù cho chi phí bị thâm hụt. Trước hết, với quy định lãi suất cho toàn dự án không quá 10% tổng chi phí đầu tư, cần sửa thành lãi suất 10% cho phần nhà ở xã hội, còn nhà ở thương mại thì chủ đầu tư được quyền chủ động.
Nội dung trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, có thể sửa được ngay để có động lực cho những người làm ra sản phẩm. Cùng với đó, một trong những vấn đề mấu chốt là phải rút ngắn các thủ tục pháp lý, bởi thời gian thực hiện thủ tục càng dài sẽ càng kéo giá nhà leo thang.
Nhật Minh