Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng cao. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 8.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%; tiếp đó là nhóm ngành năng lượng, ngân hàng…
Bất động sản hút hàng nghìn tỷ từ trái phiếu
Trong 3 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động, thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ dàng do “sức khoẻ” doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất.
Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như CTCP Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng)...
Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều “đại gia” bất động sản cũng tham gia gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thông báo về việc chào bán gần 70 triệu trái phiếu với mục đích tài trợ vốn cho hoạt động của công ty con. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng với kỳ hạn 36 tháng, tổng giá trị lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019; lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng gần 210 điểm cơ bản, lên mức từ 9,7-11%/năm.
Ví dụ, trong đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland với lãi suất 10,5%, hay cá biệt như Phát Đạt từng phát hành trái phiếu với lãi suất 14%/năm… Đáng chú ý nhất thời điểm hiện tại là Tập đoàn Apec Group với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13%/năm được đảm bảo bởi các bất động sản đắt giá tại các thành phố lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành bất động sản.
Rủi ro cao?
So với lãi suất tiền gửi, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp địa ốc hấp dẫn hơn rất nhiều. Hiện nay, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng dao động từ 3 - 7%/năm, trong khi sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp 3 lãi suất ngân hàng. Đây là yếu tố khiến nhiều người chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu bất động sản.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn khi thị trường bất động sản hiện nay đang tăng trưởng nóng, nguy cơ hình thành “bong bóng” rất cao. Trong khi đó, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không có tài sản đảm bảo, hoặc nếu có sẽ được sử dụng chính dự án bất động sản làm tài sản đảm bảo. Vì vậy, khi thị trường “đóng băng”, doanh nghiệp không có khả năng trả lãi, thanh khoản thị trường thấp, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro.
Nghị định 153 ban hành năm 2020 được đánh giá tăng thêm quy định bảo vệ nhà đầu tư và thị trường, trong đó quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng với những trái phiếu lãi suất cao và trước khi mua phải tìm hiểu kỹ năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Bộ Tài chính thời gian gần đây liên tục khuyến nghị các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.
Theo đó, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Hoàng Hà