Những ngày đầu tháng 3/2022, nhiều vùng đất nông thôn tỉnh Hà Tĩnh nổi sóng. Có những khu đất đã nhiều năm không ai ngó ngàng bỗng dưng được săn lùng, giá tăng phi mã gấp 3 – 5 lần. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do giới “cò” tạo sóng để đón gió quy hoạch.
Quy hoạch ở đâu “sốt” ở đó
Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận định, bên cạnh nguyên nhân khách quan là mặt bằng giá được nâng lên, thì lý do chính thổi bùng lên đợt sốt đất tại địa phương có thể là do thông tin có doanh nghiệp xin được khảo sát và lập quy hoạch làm khu nghỉ dưỡng và sân golf.
Theo đề cương khảo sát, xã Yên Hòa sẽ có 190ha nằm trong vùng quy hoạch, tuy nhiên theo vị đại diện UBND xã Yên Hòa, cho đến đầu tháng 3, tỉnh mới phê duyệt và chấp thuận đề cương cho doanh nghiệp tiến hành khảo sát chứ chưa “chốt” dự án đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất đưa vào quy hoạch dự án xây cầu cạn vượt biển dài hơn 17km nối từ Cần Giờ sang Vũng Tàu. Dù chỉ mới là đề xuất, nhưng ngay sau có những thông tin ban đầu dù rất mù mờ được tung ra, thị trường nhà đất quanh khu vực này đã bắt đầu nóng lên.
Những thông tin quy hoạch xây khu nghỉ dưỡng, sân golf khiến giá đất nông thôn Hà Tĩnh nhảy múa. |
Có một thực tế là dù thành hiện thực hay không, các đợt sốt đất xảy ra do nhà đầu tư đua đón gió quy hoạch vẫn gây ra những hậu quả tiêu cực, đẩy mặt bằng giá đất tăng cao, gây ra không ít khó khăn cho nhu cầu ở thực của người dân.
Đơn cử như tại Hà Nội, cho đến cuối tháng 12/2021, những thông tin về việc xem xét quy hoạch sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, đã đẩy giá đất thổ cư ở cả 3 xã Trầm Lộng, Đại Hùng, Đại Cường liên tục tăng theo chiều dựng đứng, từ mức giá bình quân 6 – 8 triệu đồng/m2 cuối năm 2020, hiện đã vọt lên mức trung bình 20 - 30 triệu đồng/m2, tùy từng khu vực.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Hoàng Quốc Việt, môi giới bất động sản tại khu vực huyện Ứng Hòa, nói: “Sau những cơn sốt, giá đất nhảy múa, ngay khi thông tin Hà Nội bỏ quy hoạch sân bay thứ 2 tại Ứng Hòa, cả giới “cò” và nhà đầu tư đều lần lượt rời đi, bỏ lại sau lưng là mặt bằng giá đất cao ngất ngưởng, vì lên rồi thì rất khó xuống”.
Các cuộc thăm dò cho thấy, việc tạo sóng để đón gió quy hoạch gây sốt đất không chỉ xảy ra trong thời gian gần đây mà đã rất phổ biến từ nhiều năm trước. Trường hợp điển hình nhất có thể kể đến cơn sốt đất tại tỉnh Bình Phước vào tháng 2/2021, khi có đề xuất mở rộng sân bay Técníc.
Cơn sốt ảo này khiến giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tại các xã lân cận như An Khương, Tân Lợi tăng nhanh không tưởng từ mức 60-70 triệu đồng một mét ngang giữa tháng 2, lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang vào đầu tháng 3, có nhiều nơi lên đến 600 triệu đồng. Giá trung bình một sào đất nông nghiệp bán 2-3 tỷ đồng.
Chực chờ rủi ro “bom xịt”
Điều đáng nói là đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản của tỉnh Bình Phước sau đó trở thành một “quả bom xịt” theo đúng nghĩa đen. Nhiều nhà đầu tư chót ôm đất giá cao hiện tại “mắc cạn” không thể tìm được đầu ra. Tại nhiều khu vực giá đất hiện tại đã trở về mức giá ban đầu trước khi có sốt đất.
Không chỉ các nhà đầu tư khốn khổ, đời sống của nhiều gia đình tại khu vực sốt đất cũng bị ảnh hưởng. Một lãnh đạo xã An Khương chia sẻ, thời điểm sốt đất, địa phương đã tăng cường tuyên truyền để người dân không bán đất ồ ạt, tuy nhiên nhiều nhà vẫn bán, ôm cục tiền trong tay nhưng không biết đầu tư đúng cách, dẫn đến thua lỗ, mất nhà, mất đất mà cái nghèo vẫn đeo đẳng, tệ nạn xã hội xảy ra.
Trước thực trạng các thông tin quy hoạch dù rất mù mờ chưa được xác nhận vẫn liên tục được giới đầu cơ “lướt sóng” tung ra, nhiều chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư mới cần thận trọng để tránh vớ phải “bom xịt”.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia đến từ Đại học Việt Đức, chia sẻ năm 2022 sẽ là năm của đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực, vì vậy giá ở nhiều vùng quy hoạch sẽ có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ đang là ý tưởng, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hoặc nhiều dự án chỉ là tin đồn. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới hoặc những người muốn bán sẽ tung tin nóng, đẩy giá bán lên cao, gây sốt ảo. Vì vậy, các nhà đầu tư, đặc biệt là những tay ngang có ý định “lướt sóng” cần cẩn trọng.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt do thông tin quy hoạch. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động hợp pháp để được tư vấn”.
Về phía địa phương, để ngăn chặn tình trạng sốt đất khi có quy hoạch, các chuyên gia khẳng định các quy hoạch cần minh bạch, rõ ràng, có chiến lược lâu dài trước khi đề xuất và công bố thông tin, qua đó hạn chế tình trạng nhà đầu cơ lợi dụng thổi giá.
Bên cạnh đó, khi có các thông tin quy hoạch, đề xuất quy hoạch, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm tra các giao dịch, hoạt động mua bán bất động sản có dấu hiệu bất thường, ngăn chặn tình trạng các môi giới tụ tập, dựng rạp, dùng “quân xanh, quân đỏ” để gây nhiễu loạn.
Có thể thấy, trong bối cảnh chưa có một “liều thuốc đặc trị” để ngăn chặn tình trạng sốt đất do quy hoạch, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý địa phương là vô cùng quan trọng. Song, để tránh tiền bị “chôn vùi” bởi những quả “bom xịt”, sự thận trọng, tinh tường, tìm hiểu kỹ lưỡng vẫn là giải pháp tối ưu nhất của các nhà đầu tư khi đón sóng quy hoạch.
Hưng Nguyên