Hàng loạt dự án lớn liên tục được “kích nổ” cho thấy bất động sản công nghiệp là "đòn gánh" cho thị trường bất động sản đang đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường chung cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi cho tham vọng của Becamex IDC (HoSE: BCM).
“Bấp bênh” mảng bất động sản
Những lo lắng là có cơ sở khi nhìn lại kết quả kinh doanh tồi tệ của Becamex IDC trong quý IV/2023, với doanh thu giảm mạnh và lợi nhuận sau thuế ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố, quý IV/2022, doanh thu thuần của BCM đạt 879 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu doanh thu cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ của mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư là nguyên nhân chính (giảm 91%, đạt 232 tỷ đồng). Trong khi đó, mảng xây dựng lại đi lên (tăng 6,7 lần, đạt 183 tỷ đồng), còn các mảng khác không có nhiều biến động.
Với doanh thu thấp, lợi nhuận gộp của công ty cũng chỉ đạt 305 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, dù không còn ghi nhận chi phí ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 tới 254 tỷ đồng như cùng kỳ, song BCM vẫn chịu khoản lỗ khác tới 52 tỷ đồng.
Điều này cộng với việc chi phí bán hàng tăng 75% (đạt 304 tỷ đồng), chi phí tài chính và chi phí quản lý neo ở mức rất cao (lần lượt đạt 253 tỷ đồng và 239 tỷ đồng) đã khiến lợi nhuận của BCM bị bào mòn dữ dội.
Becamex IDC dự kiến bắt tay đối tác Singapore làm 5 khu công nghiệp trị giá tỷ USD trong 3 năm tới (Ảnh minh họa). |
Theo đó, kết quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của BCM chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 96%; lợi nhuận sau thuế chỉ 7 tỷ đồng, giảm 98% so với năm trước. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ sau quý II/2017 tới nay.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của BCM đạt 6.507 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 2.761 tỷ đồng, giảm 14%; biên lợi nhuận gộp đạt 42,4%, giảm 3,7 điểm %.
Điểm sáng của BCM trong quý cuối năm 2022 là phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt tới 554 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Trong khi đó, hoạt động tài chính lại khá mờ nhạt khi chỉ đạt doanh thu 12 tỷ đồng, giảm 79%.
Bên cạnh đó, nhờ có thêm khoản lãi rất lớn trong công ty liên doanh, liên kết (1.145 tỷ đồng), lãi khác 80 tỷ đồng và doanh thu tài chính 72 tỷ đồng, BCM đủ sức trang trải cho các loại chi phí như: chi phí tài chính 882 tỷ đồng, chi phí bán hàng 763 tỷ đồng, chi phí quản lý 536 tỷ đồng.
Kết năm 2022, BCM báo lợi nhuận trước thuế 1.876 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 1.724 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Dù có lợi nhuận tăng trưởng, song nếu so với kế hoạch năm 2022, BCM mới chỉ hoàn thành 67% mục tiêu doanh thu và 59% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BCM đạt 48.519 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Các khoản phải thu tăng 13%, lên 6.020 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản. Tiền gửi ngân hàng giảm 53%, chỉ còn 1.496 tỷ đồng.
Đủ sức “cân” nhiều dự án?
Trong bối cảnh mảng kinh doanh bất động sản có nhiều biến động, thông tin Becamex IDC ký biên bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Singapore phát triển 5 khu công nghiệp tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD, gây nhiều chú ý.
Cụ thể, theo thông tin từ baochinhphu.vn, ngày 10/2, tại Singapore diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam.
Bản ghi nhớ giữa Becamex IDC và Công ty Sembcorp Development LTD nêu, trong vòng 3 năm tới, hai bên sẽ hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư để phát triển 5 khu công nghiệp này xấp xỉ 1 tỷ USD.
Như đã nói ở phần mở đầu, các dự án quy mô trăm triệu USD được hứa hẹn cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Song, cũng cần nhắc lại, trong hội nghị của Ngân hàng Nhà nước mới đây, nhiều đại biểu nhắc đến tình trạng các doanh nghiệp đang ôm đồm quá nhiều dự án. Thậm chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn chỉ ra thực trạng có những doanh nghiệp “ôm” tới 50 dự án trong khi năng lực không thể đáp ứng.
Becamex IDC là một tên tuổi lớn với tiềm lực mạnh, và chắc chắn khi ký biên bản hợp tác với đối tác Singapore, "đại gia" này đã có những toan tính riêng. Chưa kể, trong bối cảnh tín dụng gặp khó, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài là giải pháp để các công ty trong nước thực hiện các dự án lớn.
Tuy nhiên, việc ký kết (dù chỉ mới là biên bản ghi nhớ) một loạt dự án với tổng giá trị lên tới cả tỷ USD giữa bối cảnh thị trường chung đang bị bủa vây bởi những khó khăn, tham vọng của Becamex vẫn bị không ít người đặt câu hỏi về khả năng “về đích đúng hẹn”.
Nhật Minh