Phát triển đô thị vệ tinh đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ hàng thế kỷ qua. Tại Việt Nam, 2 thành phố trung tâm là Hà Nội và TP.HCM đang đứng trước những áp lực lớn về dân số, hạ tầng đô thị... Do đó, việc xây dựng các đô thị vệ tinh là vấn đề tất yếu.
“Thời” của đô thị vệ tinh
Chủ trương phát triển đô thị vệ tinh sẽ mở ra một xu hướng đầu tư mới. Và thực tế, nhiều nhà đầu tư đã hướng đến bất động sản vệ tinh ở các tỉnh thành công nghiệp lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương... từ nhiều năm qua và được nhận định sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong 10 năm tới.
Có nhiều năm kinh nghiệm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Việt Nam đánh giá ở các trung tâm, quỹ đất đang ngày một cạn kiệt... Trong khi đó, các địa phương vệ tinh với quỹ đất rộng, nhiều ưu đãi để thúc đẩy kinh tế, mở rộng mạng lưới giao thông liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng, tiện ích.
“Đặc biệt, giá đất ở các đô thị vệ tinh còn khá "mềm", dư địa tăng giá còn lớn, nắm giữ nhiều tiềm năng sinh lời. Do đó, bất động sản đô thị vệ tinh có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư", ông Toản nói.
Năm 2022 được dự báo sẽ là thời điểm nhiều cơ hội đầu tư vào các khu đô thị vệ tinh (Ảnh Int). |
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, phải "work from home" liên tục, không ít người đã thay đổi tiêu chí chọn nơi ở, nhiều người có xu hướng dịch chuyển khỏi trung tâm, để có một môi trường sống tốt hơn. Đặc biệt, khi xe hơi bùng nổ, khoảng cách giữa các khu vệ tinh và trung tâm sẽ được rút ngắn.
Tại TP.HCM, khu vực phía Đông, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai sẽ là tiếp tục là tâm điểm chú ý sau nhiều năm. Trong tiến trình mở rộng siêu đô thị thông qua việc thành lập TP.Thủ Đức và phát triển liên kết vùng, Đồng Nai là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm.
Sân bay Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác vào 2025, mở ra cơ hội cực lớn cho TP. Thủ Đức, Biên Hòa, Long Thành và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các dự án hạ tầng đáng chú ý khác còn có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được Thủ tướng phê duyệt, khép kín vành đai 3 hay đề án Liên vùng 4 kết nối TP.Thủ Đức với Đồng Nai chỉ bằng 1 cây cầu bắc qua sông…
Tương tự, Bình Dương với vị thế thủ phủ công nghiệp phía Nam, sở hữu nhiều tuyến đường huyết mạch nối thẳng đến trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước, xu hướng đầu tư bất động sản nơi đây ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm nhờ tiềm năng khai thác hấp dẫn trong tương lai.
Nên đầu tư thế nào?
Còn tại tại Hà Nội, một trong các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030 là vấn đề phát triển các đô thị vệ tinh để tạo không gian phát triển mới và giảm áp lực cho đô thị trung tâm.
Theo đó, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, đây nhiều khả năng sẽ là điểm nóng được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý. Các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên cũng có nhiều tiềm năng.
Được biết, để mở đường cho các đô thị vệ tinh, Hà Nội dự kiến xây mới các trục giao thông nối các khu vực này với đô thị trung tâm với tổng chiều dài khoảng 90km, quy mô mặt cắt ngang 40 - 60m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới. Nhiều đường cao tốc đô thị, đường trục chính, đường trục, đường liên khu vực tại các khu đô thị vệ tinh cũng nằm trong danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2016 - 2030.
Có thể thấy, nhận định 10 năm tới sẽ là thập kỷ của đô thị vệ tinh là hoàn toàn có cơ sở. Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư phải “ứng xử” thế nào với các đợt “sóng” bất động sản vệ tinh?
Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư nên chọn các khu vực có hạ tầng kết nối tốt với trung tâm thành phố, được đầu tư bài bản, tích hợp hiện đại với nhiều không gian xanh, có đầy đủ hạ tầng từ giao thông đến các công trình, bãi đỗ xe, xử lý rác thải...
"Nhà đầu tư có điều kiện tốt ở TP.HCM hiện không còn mặn mà với đất nền. Họ mong muốn tìm sản phẩm có khả năng “tạo thị”, tức sớm hình thành cộng đồng dân cư bền vững trong tương lai, do đó hạ tầng, tiện ích đi kèm rất quan trọng", GS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM, nhận định.
Rõ ràng, một trong những thuận lợi của thị trường bất động sản năm 2022 chính là đô thị vệ tinh được dự báo trở thành "vùng trũng" hút dòng tiền đầu tư. Nhiều người tin tưởng bất động sản vẫn là kênh giữ tiền, tránh lạm phát và mất giá. Với bất động sản đô thị vệ tinh, nếu hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi, theo chuyên gia, các nhà đầu tư có thể cân nhắc “xuống tiền”.
Nhật Minh