Căn hộ hai phòng ngủ nằm trên tầng ba một chung cư xuống cấp đặt tại khu vực ngoại ô thành phố Yokohama hẻo lánh ở Nhật Bản. Người chủ trước của căn nhà là một góa phụ 60 tuổi đã nhảy lầu tự tử sau khi mắc hội chứng trầm cảm. Con gái của bà được hưởng thừa kế căn hộ nhưng cũng không chuyển vào sống. Sau đó, toàn bộ bếp, toilet, phòng tắm, giấy dán tường và sàn nhà đã được sửa lại gần như hoàn toàn và rao bán nó với giá 9,8 triệu Yên Nhật, một mức rất thấp so với giá cả thị trường chung trên thị trường bất động sản, nhưng cũng khó bán nên bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Hàng triệu căn nhà bỏ hoang tại Nhật Bản, Hàn Quốc
Đây chỉ là một căn hộ trong số hàng triệu căn nhà đang bị bỏ hoang tại Nhật Bản hiện nay. Tình trạng nhà bỏ hoang đang trở nên phổ biến tại nhiều khu vực ở Nhật Bản, với số lượng akiya (các tòa nhà bỏ hoang) tăng lên đến mức đáng lo ngại ở quốc gia vốn được mệnh danh là "tấc đất, tấc vàng" này.
Một căn biệt thự bỏ hoang tại Nhật Bản. |
Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, số lượng nhà bỏ hoang - kết quả của sự tăng trưởng không bền vững trong vài thập kỷ, sau đó là sự sụt giảm mạnh nhân khẩu học - đạt 8,5 triệu căn vào năm 2018, tương đương 14% tổng nguồn cung nhà ở của Nhật Bản.Viện Nghiên cứu Nomura của Nhật Bản ước tính con số này có thể vượt 30% vào năm 2033.
Trước tình trạng trên, vào tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi luật đăng ký bất động sản trong nỗ lực giải quyết tình trạng nhà bỏ hoang ngày càng gia tăng. Các điều luật sửa đổi này hướng tới việc giảm số lượng tài sản bị bỏ hoang trên toàn quốc bằng cách đưa ra hình thức phạt tiền đối với những chủ sở hữu tài sản không đăng ký người thừa kế trong trường hợp họ qua đời. Ngoài ra, luật sửa đổi cũng tạo ra các điều khoản để quyền sở hữu bất động sản bị bỏ hoang được chuyển giao cho Chính phủ nếu nhu cầu phát sinh.
Tuy vậy, sau một năm, các nhà phân tích trong ngành cho biết, việc sửa đổi luật đăng ký bất động sản đã không tạo ra sự sụt giảm đáng kể về tổng số bất động sản bị bỏ hoang trên cả nước nhật Bản.
Còn tại Hàn Quốc, nhà bỏ hoang đang thực sự trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Các số liệu của chính phủ nước này cho thấy, số nhà bỏ hoang tại nước này sẽ tăng từ 840.000 căn hồi năm 2015 lên hơn 3 triệu vào năm 2050, cứ 10 căn nhà lại có 1 căn không có người ở.
Giới chức nhiều địa phương tại Hàn Quốc hiện đang nỗ lực giải quyết tình trạng trên bằng cách thành lập các văn phòng quản lý bất động sản bỏ hoang, hoặc thậm chí miễn phí tiền thuê nhà trong 2 năm để khuyến khích người dân tới sinh sống. Các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng những ngôi nhà không người ở, tuy nhiên điều này được cho là sẽ không dễ dàng, bởi mức chi phí phải bỏ ra là không hề nhỏ.
Đến những biệt thự, chung cư bỏ hoang ở Việt Nam
Còn tại Việt Nam, việc nhiều khu đô thị, hay thậm chí là các tòa nhà chung cư tái định cư ngay giữa trung tâm bị bỏ hoang không phải là hiếm gặp ở các thành phố lớn hiện nay.
Những khu đô thị bỏ hoang hàng chục năm với những căn biệt thự "rêu phong" như thế này không khó tìm ở Hà Nội. |
Đơn cử, ngay tại trung tâm quận Cầu giấy, dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) nằm ngay ở vị trí đắc địa trung tâm quận, được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013 với 2 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi, trong đó có 1 tầng thương mại và 14 tầng căn hộ được chia làm 4 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên bao gồm 50 căn hộ; 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm... với tổng vốn đầu tư lên đến 223,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (2022), sau 12 năm nhưng tòa nhà này vẫn đang trong tình trạng "đắp chiếu" chưa thể hoàn thiện.
Không chỉ riêng quận Cầu Giấy, thực tế nhiều quận khác thuộc TP. Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự, có thể kể tên một vài dự án nổi cộm trong thời gian qua đã được báo chí nhắc nhiều như: Khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa); thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm); Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); 3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên)…
Ngoài ra, tình trạng các ngôi biệt thự, liền kề có giá hàng chục tỷ đồng bỏ hoang nhiều năm không có người ở xuất hiện la liệt tại loạt các khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó nhiều dự án tại huyện Hoài Đức, Mê Linh như: khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Ledico; dự án khu biệt thự Vườn Cam, Khu đô thị Hà Phong...
Chẳng hạn, Khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Vĩnh Phúc) được quy hoạch bài bản với kế hoạch ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Diện tích đồng bộ hạ tầng với diện tích 41ha, trong đó có trên 20ha đất được dùng xây 444 căn biệt thự và 279 căn liền kề, 3ha được xây dựng chung cư cao tầng văn phòng; số diện tích đất còn lại dự tính là 18,5 ha được dùng để để làm công viên và hạ tầng giao thông. Đến nay, ngoài một số căn biệt thự đã và đang được hoàn thiện thì nhiều khu đất vẫn bỏ trống, chưa được xây dựng.
Hay như Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn sở hữu vị trí “vàng” phía Tây Hà Nội, ngay mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), sát trục Đại lộ Thăng Long và cách trung tâm thủ đô 10 km. Đây là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh. Tuy nhiên, dù đã được xây dựng và hoàn thiện từ lâu, Thiên đường Bảo Sơn vẫn còn rất nhiều căn biệt thự chưa có người ở. Nhìn từ trên cao, số lượng nhà đã hoàn thiện chỉ lác đác.
Giải pháp đánh thuế cao
Trên thế giới, để tránh tình trạng nhà trống không sử dụng, các quốc gia thường đánh thuế rất cao, chẳng hạn ở Singapore thì mức thuế có thể lên đến 20%; Anh Quốc với bất động sản thứ nhất thì tuỳ theo giá trị mức thuế suất dao động từ 0% đến 2%. Còn tại Nhật Bản, ngoài việc đánh thuế cao, các công ty khởi nghiệp kinh doanh nhà bỏ hoang cũng khá thành công khi cung cấp các dịch vụ cho thuê qua đêm tại các căn nhà này, hay việc cho thuê để mở cửa hàng, văn phòng...
Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản, sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4/2022.
Nhằm khắc phục tình trạng này ở Việt Nam, cuối năm ngoái, UBND Thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Theo đó, nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Thực ra, đề xuất đánh Thuế bất động sản của Bộ Tài chính có từ vài năm trước nhưng chưa được Quốc hội đồng ý. Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất này và đang nghiên cứu góp ý đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3. Hiện nhà nước đang thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ tính với đất, chưa tính với nhà và tài sản trên đất.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản, sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4/2022.
Dù vậy, đến nay việc thực thi cũng chưa được như mong đợi, tình trạng các tòa nhà chung cư, khu đô thị, biệt thự... bỏ hoang vẫn còn tồn tại và dường như khó có thể giải quyết được câu chuyện này trong “một sớm một chiều”.
Quốc Anh